Quảng cáo trong nội dung văn bản

Thanh niên Hà thành chọn phố núi khởi nghiệp vì quá yêu Ðà Lạt

“Nhiều người khuyên “không nên chở củi về rừng”, nhưng vì quá yêu thích vùng đất này, hơn nữa từ lâu Ðà Lạt đã có thương hiệu nổi tiếng về ngành hoa, là nơi hội tụ đủ các yếu tố để phát triển sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh nên mình quyết chọn nơi đây để khởi nghiệp…”. Ðó là tâm sự của chàng trai Hà thành Ðặng Sỹ Sáng (SN 1984, quê Hà Nội), chủ một cửa hàng hoa, cây cảnh trên đường Hùng Vương, Ðà Lạt. 

Anh Đặng Sỹ Sáng kiểm tra lô hàng hoa anh đào vừa nhập về từ Nhật Bản. Ảnh: T.Trang



Tiếp chúng tôi tại khu vườn ươm nằm lọt thỏm ở góc khuất dưới chân đèo Prenn (Phường 3, TP Đà Lạt), anh Sáng kể về chuyện bén duyên với nghề kinh doanh hoa, cây cảnh ở phố núi: Sinh ra ở Hà Nội, ngay từ bé anh đã dành cho các loài hoa một tình yêu lớn. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, Sáng trải qua khá nhiều công việc, trong đó có những việc nhàn hạ, thu nhập cao nhưng vẫn thấy không thỏa mãn vì chưa được sống trọn với niềm đam mê lớn nhất của mình. 

Thế rồi vào đầu năm 2016, trong chuyến du lịch Đà Lạt, được người anh họ đưa đi tham quan các làng hoa, trang trại hoa, chàng trai Hà thành biết được người dân nơi đây rất thành công trong việc trồng hoa thương phẩm cắt cành, nhưng ở phân khúc hoa chậu, cây cảnh vẫn còn rất nhiều tiềm năng nên quyết định rời Hà Nội vào đây lập nghiệp. “Đó là một quyết định táo bạo nhưng cũng rất khó khăn, bởi khi đó tôi đã có sự nghiệp ổn định và một gia đình nhỏ ở quê. Vào đây phải làm lại từ đầu, trong khi người thân, bạn bè không ủng hộ, nhất là khi biết mình chọn nghề kinh doanh hoa chậu, cây cảnh để khởi nghiệp ở nơi vốn đã có thương hiệu rất nổi tiếng về ngành hoa. Hầu hết bạn bè đều khuyên “không nên chở củi về rừng” - ý nói không nên đưa hoa về bán ở thành phố hoa… Nhưng vì đã trót si mê Đà Lạt mất rồi” - Sáng bộc trực. 


Theo Sáng, phong cảnh Đà Lạt quá đẹp, con người ở đây rất hiền hòa, lịch thiệp, thành phố bốn mùa hoa khoe sắc. Điều quan trọng là thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây rất phù hợp cho việc ươm trồng các loại cây cảnh cũng như các giống hoa. Hơn thế, ở đây còn có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển kinh doanh ngành hoa, nhất là hoa chậu và cây cảnh. Sau khi có ý định vào Đà Lạt lập nghiệp, anh đã tự bỏ tiền túi tham gia các tour du lịch canh nông. Nói là tour nhưng thực chất là đi “du lịch bụi” để tìm hiểu thị trường; cách trồng, chăm sóc các giống hoa chậu, cây cảnh của các nước trong khu vực cũng như châu Âu. Khi đã có được chút vốn lận lưng về thị trường và phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng, nhân giống các loài hoa chậu, cây cảnh, Sáng trở về nước rồi vào Đà Lạt tìm một mặt bằng trên đường Hùng Vương đầu tư, mở một cửa hàng hoa chậu, cây cảnh làm nơi buôn bán, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng.

Chỉ trong thời gian ngắn, nhờ có sản phẩm mới lạ và kinh doanh qua mạng nên nhiều người biết đến, việc kinh doanh cũng theo đó mà phát triển. Dù vậy, Sáng vẫn khiêm tốn cho rằng: Đến nay chưa dám nói là thành công, nhưng sau hai năm thực hiện ước mơ khởi nghiệp, việc kinh doanh buôn bán hoa chậu, cây cảnh của anh tại Đà Lạt đã dần đi vào ổn định. “Khi rời Hà Nội vào Đà Lạt, trong tay mình chỉ có khoảng 300 triệu đồng, nhưng sau hơn hai năm kinh doanh, đến nay số vốn huy động đã lên đến trên 4 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đều tập trung đầu tư vào việc nhập, nhân giống các loài hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao để cung cấp cho thị trường trong toàn quốc” - Sáng cho biết. 


Hiện cửa hàng kinh doanh hoa, cây cảnh của chàng trai Hà thành này có rất nhiều giống “kỳ hoa, dị thảo”, như: Hoa hồng leo, hồng cổ Sapa, phong lá đỏ, nho thân gỗ, magic, cherry, sen đá, xương rồng… Trong đó, chỉ tính riêng phong lá đỏ cũng đã có trên 1.000 gốc, trị giá hàng tỉ đồng. Tuy nhiên, theo Sáng, ngành kinh doanh hoa, cây cảnh có tính “thời trang” rất cao, muốn thành công phải thường xuyên cập nhật các giống cây mới, độc, lạ thì mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Chính vì vậy, khi nghe Đà Lạt lần đầu tiên tổ chức lễ hội hoa anh đào 2018, tôi liền nghĩ ngay tới hoa anh đào Nhật Bản và quyết định nhập khẩu các giống hoa này để làm phong phú thêm sắc hoa cho ngày hội. Nhưng gặp phải nhiều khó khăn về thủ tục, mãi đến giữa tháng Tư vừa qua, 50 cây hoa anh đào giống Kazan của Nhật mới được chuyển về tới Đà Lạt…

Bên cạnh niềm đam mê kinh doanh hoa, cây cảnh, chàng trai Đặng Sỹ Sáng còn cho biết, anh đang ấp ủ xây dựng một khu vườn trải nghiệm với những bộ sưu tập các loài hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao, như các giống hoa hồng cổ Sapa, phong lá đỏ, hoa anh đào Nhật Bản… để trưng bày, giới thiệu, phục vụ du khách, người dân địa phương thưởng lãm. “Nếu thành công, khu vườn trải nghiệm này sẽ là một trong những điểm đến thú vị, góp thêm hương sắc, vẻ đẹp cho Đà Lạt, thành phố tôi yêu và chọn làm quê hương thứ hai của đời mình” - anh Sáng chia sẻ.


THỤY TRANG (Báo Lâm Đồng)