Quảng cáo trong nội dung văn bản

Lịch sử hình thành và phát triển 100 năm Đà Lạt

Đà Lạt, thành phố cao nguyên, đã trở thành một địa danh rất quen thuộc với mọi người Việt Nam và du khách quốc tế. Năm 1916, ranh giới của thành phố được xác định về mặt pháp lý khi Hội đồng nhiếp chính triều đình Huế thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt [14].



Về sau, ranh giới được mở rộng thêm do các nghị định 14.11.1940, ngày 4.12.1940 và ngày 14.7.1941 của Toàn quyền Đông Dương. Nhưng Đà Lạt bị cắt xén vào năm 1950 về phía Đông (Trại Mát) và phía Tây (Manline) bởi Dụ số 4-QT/TD của Bảo Đại (10.10.1950). Dụ số 11-QT/TD ngày 11.04.1951 đưa khu vực sân bay Liên Khương vào thành phố Đà Lạt [12, 9]. Đà Lạt bị cắt tiếp về phía Bắc cho tỉnh Tuyên Đức thành lập theo sắc lệnh số 261 ngày 19.5.1958 của Ngô Đình Diệm. Sau ngày đất nước thống nhất, Đà Lạt được mở rộng về phía Đông Nam (Thái Phiên, Xuân Trường, Xuân Thọ) và phía Tây Nam (xã Tà Nung).

Để trở nên một thành phố đẹp trên cao nguyên, một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và văn hóa sau này. Đà Lạt đã được hình thành từ năm 1893, khi Bác sĩ 
A. Yersin đặt chân lên cao nguyên Lang Biang. Từ đó, lịch sử thành phố Đà Lạt đã qua không ít thăng trầm, nhưng có thể chia thành năm giai đoạn sau đây.

1- Đà Lạt trước Chiến tranh thế giới thứ nhất (1893-1914)
2- Đà Lạt qua hai cuộc Chiến tranh thế giới (1915-1945)
3- Đà Lạt - giai đoạn chuyển tiếp (1946-1954)
4- Đà Lạt - giai đoạn đất nước bị chia làm hai miền (1954-1975)
5- Đà Lạt - 1975-nay

1. ĐÀ LẠT TRƯỚC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ NHẤT (1893-1914)

Giai đoạn này được đánh dấu bằng những đợt khảo sát liên tiếp của các đoàn nghiên cứu lên Đà Lạt, việc gấp rút xây dựng các con đường lên Đà Lạt từ Phan Thiết qua Di Linh, từ Phan Rang và từ Sài Gòn, đến làn sóng người châu Âu đổ xô lên Đà Lạt vào những năm 1914-1915, khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất gây khó khăn cho những chuyến về bản quốc nghỉ ngơi của họ. Giai đoạn này có thể coi như thời kỳ "thai nghén" của Đà Lạt, mà Lagisquet gọi là thời kỳ "khám phá" (découverte) [5, 8 -10].

Năm 1897, P. Doumer giữ chức toàn quyền. Tình hình Đông Dương, đặc biệt là ở Việt Nam, tương đối yên bình. Các hoạt động vũ trang kháng Pháp bị lắng xuống từ sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1895), triều đình Huế chịu sự thao túng của khâm sứ, ngân sách Phủ toàn quyền thu từ các nguồn thuế của người bản xứ tăng nhanh. Nhân một chuyến thăm những trạm nghỉ dưỡng ở Ấn Độ, toàn quyền P. Doumer bắt đầu quan tâm đến việc tìm kiếm những nơi nghỉ ngơi như vậy cho người da trắng. Ngày 23.7.1897, trong thư gởi cho các khâm sứ, thống sứ, ông nêu bốn điều kiện cần thiết cho một trạm nghỉ dưỡng: độ cao trên 1200 mét, nguồn nước dồi dào, đất đai canh tác được và khả năng thiết lập đường giao thông dễ dàng. Nhờ chuyến thám hiểm Lang Biang năm 1893. Yersin đã đề nghị toàn quyền chọn Đà Lạt - Đăng Kia [4, 40:6, 11] khi ông nhận được thư riêng của toàn quyền P. Doumer. Cùng năm P. Doumer cử một phái đoàn quân sự, dưới sự chỉ huy của đại úy Thouard, nghiên cứu con đường từ Nha Trang lên Lang Biang. Sau 11 tháng làm việc, Thouard đã chứng minh không thể đi thẳng từ Nha Trang lên được Lang Biang và phác thảo một con đường đi từ Phan Rang lên, như con đường hiện nay chúng ta vẫn đi từ Phan Rang lên Đà Lạt qua ngã Fimnom. Ông còn gợi ý xây dựng trực tiếp một con đường từ Sài Gòn lên [4,41; 3, 174].

Năm 1898, khi đoàn Thouard chưa kết thúc thì các đoàn tiếp theo do Garnier, Odhéra, Bernard tiến hành khảo sát con đường Phan Thiết - Di Linh - Đà Lạt. Missigbrott, một thành viên tùy tùng đoàn Thouard, đã ở lại sau chuyến khảo sát để lập vườn rau và chăn nuôi gia súc, tạo cơ sở cho trạm nông nghiệp và trạm khí tượng sau này.

Sau chuyến cùng bác sĩ Yersin lên Lang Biang (3.1899) P.Doumer còn phái tiếp đoàn làm đường từ Nại (gần bãi biển Ninh Chữ) lên Lang Biang do đại úy Guynet chỉ huy.

Ngày 1.11.1899, P. Doumer ký nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng với hai trạm chính (một ở Tánh Linh và một ở Lang Biang), Champoudry được cử lên Đà Lạt bấy giờ với tư cách một "thị trưởng" của vài chục cư dân [4, 56: 8, 4]. Trước khi về nuớc (1902). Toàn quyền Doumer còn quyết định thành lập tuyến đường sắt Sài Gòn - Đà Lạt qua Phan Rang (1901). Kế hoạch lập thành phố trên cao nguyên theo ông về Pháp, các công trình gần như bỏ dở do khó khăn về đầu tư và trở ngại giao thông.

Toàn quyền Paul Beau (nhiệm kỳ 1902-1908) tiếp tục cử nhiều đoàn khảo sát: quân sự do tướng Beylié (1903), tướng Pennequyn (1904), đại úy Bizar (1905) chỉ huy, đoàn y tế có bác sĩ Grall (1904), bác sĩ Vassal (1905)... [4, 54].

Đến nhiệm kỳ của toàn quyền Klobukowski (1908-1910), mọi hoạt động gần như chững lại. Thị trưởng Champoudry cùng hội đồng thị xã của ông trong giai đoạn này "không có một khoản ngân sách đáng kể, không có một sự trợ giúp nào cả" [4, 56]. Tuy nhiên, trong giai đoạn ngắn này, cũng có vài sự kiện đáng lưu ý. Đó là P. Beau, sau khi tham khảo kết quả khảo sát của các đoàn nghiên cứu, đã xác định trạm nghỉ dưỡng trên Đà Lạt (mà không ở Đăng Kia) (12.3.1906): xây dựng lữ quán cho khách vãng lai, tiền thân của khách sạn Hồ (Hôtel du Lac); đường sắt Tháp Chàm - Xóm Gòn hoàn thành sau sáu năm xây dựng (1909).

Nhiệm kỳ của Toàn quyền Albert Sarraut mang lại cho Đà Lạt ít nhiều sinh khí. Sự đe dọa của Nhật Bản khiến Chính phủ Pháp nới rộng quyền hạn cho toàn quyền, cho phép cai trị bằng những nghị định do chính ông ban hành. Chính sách của Sarraut căn cứ trên "nguyên tắc liên kết và sự thực thi chế độ bảo hộ một cách trung thực" [9, 165]. Ông còn cho phát triển ngành y tế, tổ chức lại giáo dục... và chỉ thị hoàn thành xây dựng các công trình đường sá lên Đà Lạt trước năm 1914 [4, 59 : 10, 62; 11, 494].

Năm 1913, hoàn thành tuyến đường Phan Thiết - Di Linh năm 1914, tuyến Di Linh-Đà Lạt. đường sắt Phan Rang - Krongpha được đưa vào sử dụng cho phép sự buôn bán và đi lại giữa Đà Lạt và vùng xuôi phát triển. Đến năm 1915, từ Sài Gòn đi Đà Lạt có thể bằng hai con đường: Sài Gòn - Ma Lâm - Đà Lạt (354km) mất một ngày rưỡi và Sài Gòn - Phan Rang - Đà Lạt (414km) mất hai ngày [3, 281].

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, làn sóng người Âu đầu tiên đổ xô lên Đà Lạt vì điều kiện khó khăn về quê hương trong những ngày nghỉ phép. Họ muốn đến nghỉ dưỡng ở Đà Lạt, một vùng khí hậu lý tưởng gợi nhớ quê hương. Đường sá lúc này khá thuận tiện. Điều đáng tiếc là cơ sở vật chất không đáp ứng đủ nhu cầu của họ. Đến năm 1908, tuy đã có nhà khách vãng lai, nhưng khu trung tâm hành chính vẫn chưa được nới rộng. Thức ăn có thịt thú và rau rừng, thường xuyên phải chống với cọp beo [8, 4]. Cơ sở hạ tầng về điện, nuớc chưa đầy đủ đã tác động đến du khách người Âu. Chính họ sẽ trực tiếp tác động lại, nhà cầm quyền phải có trách nhiệm "đánh thức" Đà Lạt sau thời gian dài im lặng.

Nguyên nhân của giấc ngủ kéo dài của Đà Lạt có thể giải thích bằng mấy sự kiện sau đây:

a. Sự đầu tư tư bản của chính quyền và tư nhân Pháp trong giai đoạn này còn quá ít ỏi. Việc khai thác ban đầu mới chỉ bắt đầu từ một vài ngành quan trọng. Nông nghiệp ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ tuy được chú trọng, nhưng không lôi cuốn tư bản Pháp. Các nhà kinh doanh chỉ chú trọng đến các mỏ ở Bắc Kỳ: 9 triệu quan cho khai thác than đá là nhiều nhất. Xứ Trung Kỳ được thăm dò sau cùng, nhất là Lang Biang không mấy hấp dẫn đối với các nhà kinh doanh. Ngân sách chính phủ bảo hộ cũng chỉ mới triển khai chậm chạp vào xây dựng hạ tầng cơ sở như giao thông, hải cảng, công trình thủy nông.

b. Nhu cầu nghỉ dưỡng của người châu Âu còn ít, do đó, việc đầu tư cho một trạm nghỉ dưỡng như ở Đà Lạt quả là chậm sinh lợi.

c. Sự kế tục giữa các nhà cai trị không bảo đảm tính liên tục và nhất quán, do trong nội bộ của họ có mâu thuẫn về chính trị.

2. ĐÀ LẠT QUA HAI CUỘC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI (1915-1945)

Đây là thời kỳ có nhiều biến động lịch sử. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai đã làm cho tình hình chính trị xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi.

Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất trở nên ồ ạt. Việc đầu tư của tư bản Pháp từ năm 1888-1918 là 492 triệu quan, chỉ mới hơn đầu tư nông nghiệp năm 1927 (450 triệu quan). Giai đoạn đầu tư từ 1924-1930 rất lớn, nếu tính theo triệu quan thì : 1924 : 170, 1925 : 195, 1926 : 625, 1927 : 705, 1928 : 735, 1929 : 755, 1930 : 585 {9, 193}. Năm 1917, hãng kinh tế Đông Dương (Agence économique de l'Indochine) được thành lập tại Paris với nhiệm vụ quảng cáo về khu vực này. Tình trạng lạm phát ở Pháp làm cho đồng bạc Đông Dương và các nguyên liệu tăng giá. Điều đó đã thúc đẩy sự đầu tư của tư bản Pháp trong 6 năm nói trên đạt tới con số 3 tỷ quan [1, 190]. Sau khủng hoảng kinh tế từ năm 1930, nền kinh tế Việt Nam lại sôi động hơn vì sự đầu tư ngày càng nhiều của tư bản Pháp.

Chính sự đầu tư đã làm tăng số người ngoại kiều tới lập cư ở Việt Nam, chẳng hạn như người Pháp đạt tới con số 30 ngàn người (1937). Hoa kiều 466 ngàn người (1943) [9, 232]. Hai cuộc chiến tranh làm cho nhu cầu nghỉ ngơi tại chỗ của người ngoại quốc tăng lên. Đà Lạt lúc này được nhiều người biết đến, nhất là sau một số bài giới thiệu và quảng cáo trên báo chí của Pháp.

Chính sách cai trị của nhà nuớc bảo hộ đã chuyển sang chế độ trực trị. Triều đình Huế không có quyền kiểm tra nền ngoại giao và quân đội, chỉ giữ lại cho mình một nền hành chính hình thức, bắt đầu từ việc các công chức Pháp được biệt phái đến các cơ quan Việt Nam với tư cách phụ tá, dần dần họ lấn quyền, biến những quan lại người Việt trở thành phụ tá. Và đến mức, vào năm 1925, Ông hoàng Bảo Đại 12 tuổi đã phải ký một thỏa ước chuyển giao cho khâm sứ Pháp các quyền hạn chính trị và tư pháp. Hơn thế, năm 1932 quan khâm sứ còn trở thành Chủ tịch của Hội đồng hoàng tộc nữa [9, 136-144].

Đà Lạt phát triển trong bối cảnh chung đó, nhưng vẫn có bước đi riêng của mình. Thời kỳ này, sự phát triển của Đà Lạt có thể chia thành ba giai đoạn ngắn như sau:

2.1 THỂ CHẾ HÓA ĐÀ LẠT (1916-1926)

Từ một trạm hành chính hình thức, một địa phương trực thuộc Đồng Nai Thượng và sau đó trực thuộc Phan Rang, Đà Lạt muốn phát triển phải có những cơ sở pháp lý mới hơn, mở ra những điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng. Nghị định 6.1.1916 của toàn quyền Roume về việc thành lập tỉnh Lang Bian cũng chỉ mới mở rộng sự tiếp xúc của người Âu và các tỉnh lân cận với Đà Lạt. Họ muốn lên Đà Lạt nghỉ nhưng ở đây chưa đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu, họ muốn đầu tư xây dựng Đà Lạt nhưng cơ sở pháp lý chưa thực sự bảo đảm. Ngày 20.4.1916, Hội đồng nhiếp chính vua Duy Tân đã phê chuẩn Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt.

Tinh thần của Dụ này là trao toàn bộ quyền hạn cho toàn quyền Đông Dương đối với Đà Lạt, nói cách khác là cho người Pháp và cho phép Đà Lạt toàn quyền sở hữu đất đai (mua bán, sang nhượng) trong khu vực. Dưới quyền điều hành trực tiếp của toàn quyền. Dụ này được triển khai và bổ túc trong các nghị định ngày 30.5.1911 [4, 955], ngày 5.7.1918 [15, 559] ngày 30.7.1926 [16, 2050], ngày 31.10.1920. Toàn quyền Maurice Long ký nghị định thành lập Khu tự trị Lang Biang (thực hiện Dụ 11.10.1920 của triều đình Huế). Một nghị định khác về sự thành lập tại Đà Lạt một sở điều hành các dịch vụ ở trạm vùng cao Lang Biang và du lịch Nam Trung Kỳ (Direction des services de la station d'altitude du Lang Bian et du tourisme dans le Sud-Annam) cũng được phê chuẩn [17, 910-915]. Cùng ngày, một nghị định nữa xác định nâng khu tự trị Lang Biang lên thị xã hạng hai (Commune de 2e catégorie) với những quy chế rộng rãi [17, 915-921]. Để hoàn chỉnh hơn, một nghị định nhằm tổ chức lại thị xã Đà Lạt được ký ngày 26.7.1923 [18, 942-950] và một nghị định khác xác định thể chế, hành chính và ngân sách cho Đà Lạt được ký ngày 30.7.1926 [16, 780-793]. Các nghị định này đã đưa địa vị Đà Lạt lên cao hơn: vừa trở thành đơn vị trực thuộc toàn quyền, vừa có tính tự trị cao hơn so với các thị xã khác. Tinh thần đó cũng đã được duy trì trong thời kỳ Pháp thuộc và kéo dài mãi cho đến tận năm 1975.

Về mặt hành chính, Đà Lạt trong giai đoạn này trở thành một đơn vị tự trị. Về mặt pháp lý, đốc lý (Résident maire) Đà Lạt có những quyền hạn cho phép thu hút đầu tư từ ngoài vào. Lúc này, việc mua đất ở Đà Lạt trở nên sôi nổi trong giới quan chức và kinh doanh người Pháp. Những công trình hạ tầng cơ sở được xây dựng: khách sạn Palace được xây cất (1916-1922), ngăn đập xây hồ trên dòng Cam Ly (1919), nhà máy điện (1918), nhà máy nước, nhà bưu điện, kho bạc, trường học (1920).. và đặc biệt là một đồ án thiết kế thị xã được kiến trúc sư Hébrard hoàn thành (1923) với ý đồ biến Đà Lạt thành thủ phủ Đông Dương. Dân số lúc này đã lên tới 1.500 người.

Nói tóm lại, giai đoạn 1915-1926 có thể được coi là giai đoạn chuẩn bị cho sự phát triển của Đà Lạt: Đà Lạt được thể chế hóa như một thị xã, nhưng với những dự phòng về tương lai đang muốn vươn tới một trung tâm hành chính văn hoá và du lịch lớn của Đông Dương, Đà Lạt ngày càng hấp dẫn đối với nhiều giới, từ chính khách đến thương nhân.

2.2 CHỈNH TRANG ĐÀ LẠT (1927-1939)

Đây là thời kỳ đầu tư tư bản nước ngoài vào Việt Nam tương đối lớn. Đà Lạt đã có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để phát triển. Một cơ sở hành chính của người Pháp, các cơ sở hạ tầng đến giai đoạn này được xây dựng gần như đầy đủ: Hệ thống giao thông đường bộ từ Sài Gòn, Phan Thiết, Phan Rang được hoàn tất, kể cả đường sắt Phan Rang - Đà Lạt (1932). Hệ thống điện, nước, bệnh viện, chợ... cũng đã được xây cất. Việc mua bán, sang nhượng cũng như thầu khoán trong xây dựng dễ dàng, nên khá nhiều công trình lớn được mọc lên trong giai đoạn này.

Năm 1927, xây dựng thêm một nhà máy điện mới. Năm 1930, doanh trại Courbet thành lập. Năm 1935, khánh thành trường Lycée Yersin.

Năm 1937, khai thông đường số 21 Đồng Nai Thượng với Đắc Lắc, dinh toàn quyền khởi công xây dựng, doanh trại Courbet được thành lập. Năm 1938, xây dựng xong ga Đà Lạt. Năm 1939, Trường thiếu sinh quân được thành lập trên mảnh đất Trường đại học Đà Lạt ngày nay.

Các biệt thự xinh đẹp ở đường Hoa Lay-ơn (Rue des glaieuls), Hoa hồng (Rue des roses), cư xá Saint Benoit... mọc lên [4, 65]. Tốc độ xây dựng tương đối nhanh, chẳng hạn như số lượng biệt thự ở Đà Lạt vào các năm như sau: 1936: 327, 1937: 378, 1938: 398, 1939: 427. Du khách lên Đà Lạt ngày một đông, các buồng trong khách sạn được đặt thuê từ nhiều tháng trước :[4, 65].Công ty du lịch được thành lập với 80 nhân viên. Dịch vụ du lịch và xây dựng đã thu hút khá nhiều luồng cư dân lên Đà Lạt.

Dân số Đà Lạt tăng nhanh, đến năm 1939 lên đến 11.500 người. Họ là những người phu làm đường, phu đồn điền, thợ xây dựng ở lại định cư tại Đà Lạt. Trại nông nghiệp Đăng Kia không thể cung cấp đủ thực phẩm cho thành phố, ấp trồng rau Hà Đông được thành lập do nhu cầu nói trên (1938). Việc đến định cư lẻ tẻ ở vị trí các ấp Ánh Sáng, Tân Lạc, Trại Hầm... làm tăng thành phần cư dân Đà Lạt lên ít nhiều. Lúc này Đà Lạt và vùng phụ cận sản xuất rau, cam, canh ki na, trà và các loại hoa. Thành phần cư dân Pháp chủ yếu là các quan chức dân sự và quân sự, một số giáo viên và học sinh ở các trường học. Người Việt, người Hoa và người Thượng, trừ một số ít là viên chức hạng thấp, phần lớn sống bằng những nghề dịch vụ như: buôn bán, cu ly, bồi, thợ xây dựng và làm vườn.

Cơ sở văn hóa và giáo dục ở giai đoạn này cũng khá phát triển. Một số trường học như Lycée Yersin, Couvent des Oiseaux. Thiếu sinh quân (Ecole d'enfants de troupe de Dalat) thu hút học sinh từ khắp nơi trong nước và các nước ở Đông Dương đến học.

Có thể nói Đà Lạt trong những năm này chuyển sang giai đoạn phát triển. Nhu cầu xây dựng thủ phủ Đông Dương bị chìm đi, nhưng nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng tăng lên, dịch vụ du lịch, sự phát triển nghề làm vườn với các giống rau quả ôn đới làm cho cư dân Đà Lạt tăng vọt lên hẳn so với giai đoạn trước. Càng ngày người ta càng phát hiện ra những ưu điểm mới của Đà Lạt, một địa điểm thích hợp cho việc nghiên cứu và học tập. Lúc này, Đà Lạt đã có thể xứng đáng được gọi là thành phố trên cao (ville d'altitude) [5, 283-285; 5, 11]. Nhịp độ phát triển này vẫn có thể tiếp tục kéo dài đến những năm sau, nếu như Chiến tranh thế giới thứ hai không xảy ra vào năm 1939 làm tăng nhịp độ xây dựng Đà Lạt cao hơn trước.

2.3- "THỦ ĐÔ MÙA HÈ" (1940-1945)

"Không ai có thể phủ nhận Đà Lạt chiếm một vị trí đặc biệt thuận lợi ở Viễn Đông. Khí hậu, danh lam thắng cảnh, tiềm năng phát triển làm cho Đà Lạt thành một nơi được ưu đãi, không nơi nào có thể so sánh được. Đà Lạt có thể trở thành một nơi nghỉ mát lớn ở Viễn Đông" [5;4;73]. Đà Lạt là xứ sở của hoa, xứ sở của thông, xứ sở của rau ... thích hợp cho sinh hoạt trí thức [19, I-VI. Đà Lạt còn có vùng ven săn bắn lý tưởng [19, 31-33). Chiến tranh một lần nữa làm cho làn sóng du khách đổ xô lên Đà Lạt. Hàng hóa từ Pháp sang gặp khó khăn, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã phải áp dụng chính sách tự túc. Đà Lạt được chú ý ngày càng nhiều. Toàn quyền Decoux ngay khi mới nhận chức (1940) đã bắt tay thực hiện ý tưởng của các vị tiền nhiệm: biến Đà Lạt thành trung tâm hành chính. Ông đã giao cho kiến trúc sư Lagisquet - trưởng phòng kiến trúc và quy hoạch đô thị - thiết lập đồ án chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt. Trong thời gian chờ quy hoạch mới, một số biện pháp bảo vệ như bãi bỏ việc sang nhượng đất đai, kiểm soát các hầm đá, quy định mới về phân lô v.v.. được đưa ra áp dụng nghiêm ngặt.

Tháng 3.1943, đồ án trên được toàn quyền Đông Dương chấp nhận và được triển khai nhanh chóng. Tốc độ phát triển đô thị cao nhất từ trước đến nay: hơn 500 biệt thự được xây cất trong vòng 5 năm bằng số biệt thự xây dựng trong 30 năm trước [3, 287; 4, 72-77]. Dinh Decoux, nhà máy thủy điện Ankroët (1944)... là những công trình tiêu biểu lúc này.

Dân số tăng nhanh, so với giai đoạn trước, tăng lên 2 lần: 25.000 người (1944). Toàn quyền Decoux chủ trương lấy Đà Lạt làm "thủ đô mùa hè" của Đông Dương, mỗi năm Decoux làm việc ở đây đến 6 tháng. Ngoài việc xây dựng đô thị nói trên, chính quyền còn chú trọng đời sống kinh tế và văn hóa của Đà Lạt. Về kinh tế, các trục đường giao thông với miền xuôi được sửa sang và mở rộng. Nhờ thế, việc lưu thông hàng hoá (vật liệu xây dựng cũng như hàng hóa nông nghiệp thực phẩm) lên Đà Lạt được nhanh chóng. Tại Đà Lạt, người Pháp cho mở rộng diện tích trồng rau hoa: ấp Nghệ Tĩnh được thành lập (1940). Cư dân người Kinh tăng nhanh: 20.000 người (1944). Các khu dân cư được xây dựng nhiều. Khu vực phía Bắc suối Cam Ly: dốc Nhà Làng (đường Nguyễn Biểu), đường Cầu Quẹo (Phan Đình Phùng), đường An Nam (Nguyễn Văn Trỗi) v.v...

Đời sống văn hóa Đà Lạt cũng phát triển nhanh chóng nhờ hệ thống trường học khá phong phú, các công trình thể thao, các cơ sở lớn của tôn giáo đều được xây xong năm 1942. Cảnh quan Đà Lạt ở khu trung tâm gần như hoàn chỉnh và được giữ nguyên mãi đến sau này.

Sau gần ba mươi năm xây dựng, Đà Lạt vào năm 1945 đã trở thành một thành phố tuyệt đẹp của vùng Viễn Đông lúc bấy giờ. Về mặt hành chính thành phố được điều hành theo tinh thần của nghị định 30.7.1926, khi khu tự trị Lang Biang thành thị xã Đà lạt. Thị xã hạng hai này được cai trị bởi một đốc lý người Pháp với sự phụ tá của một viên thư ký thị xã thuộc ngạch quan cai trị thuộc địa Pháp. Một hội đồng thị xã gồm bốn người (2 Pháp, 2 Việt Nam) được khâm sứ Trung Kỳ chỉ định giúp việc cho đốc lý. Đến năm 1930, thị xã Đà Lạt đã có dáng dấp của một thành phố và hội đồng thị xã được tăng lên chín người (6 Pháp, 2 Việt Nam và 1 Hoa) [23, 298]. Triều Nguyễn có cử thêm một quản đạo (coi luôn cả tỉnh) và một tri huyện coi người Thượng cùng đóng tại Đà Lạt [12]. Thị xã có một khoản ngân sách riêng do quyền sở hữu đất đai và quyền thu những khoản thuế bất thường. Nguồn ngân sách này được quy định nghiêm ngặt dùng để duy tu và bảo dưỡng cơ sở hạ tầng của thị xã. Sự bùng nổ dân số về mặt cơ học trong giai đoạn này, đặc biệt là cư dân người Việt Nam, đã làm chính quyền sở tại lúng túng, buộc toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ phải xây dựng quy hoạch mới cho Đà Lạt (1940-1943), mở rộng khu người Việt với những quy chế nghiêm ngặt trong xây dựng để ngăn chặn sự phá vỡ cảnh quan đô thị.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Chính quyền nhân dân do ông Trần Xuân Biền làm chủ tịch ủy ban cách mạng lâm thời thành phố báo hiệu thời kỳ làm chủ của người Pháp với mười đời đốc lý đã chấm dứt. Cuối năm 1945, tổ chức chính quyền được đổi là Uỷ ban hành chánh. Từ sau sự kiện lịch sử trọng đại này, sự vận động của lịch sử Việt Nam đã đổi hướng. Khi người Pháp tái chiếm Việt Nam, họ cũng không đủ can đảm để thực hiện nốt giấc mơ của mình phát triển Đà Lạt thành thủ phủ Đông Dương.

3. ĐÀ LẠT GIAI ĐOẠN CHUYỂN TIẾP (1946-1954)

Đây là giai đoạn giao thời, bộ máy chính quyền do người Pháp cai trị chuyển dần sang người Việt Nam. Tình hình Việt Nam lúc này nổi bật lên một số sự kiện quan trọng như sau:

Pháp tái chiếm Việt Nam với ý đồ giành lại quyền hành ở Đông Dương, Thierry d'Argenlieu, cao ủy Pháp tại Đông Dương, ngoan cố chống đối nền độc lập của Việt Nam, tìm cách phá hiệp định sơ bộ 6.3.1946, tự ý thành lập xứ nam kỳ tự trị. Tháng 5.1946 Đà Lạt chứng kiến hội nghị trù bị cho hội nghị Fontainebleau (7.9.1946), một hội nghị không đưa đến kết quả mong muốn. Dưới áp lực của các kiều dân Pháp ở Đông Dương, chính quyền Pháp tìm cách thỏa hiệp với các đảng phái khác ở Việt Nam và dùng cả quân sự nhằm cô lập và đẩy Chính phủ Việt Minh sang phía đối lập. Kết cục là đêm 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Uỷ ban hành chính được đổi là Uỷ ban hành chính kháng chiến.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành thắng lợi: Chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc người Pháp ký hiệp định Genève và trao trả độc lập cho dân tộc Việt Nam, chấm dứt thời kỳ gần 100 năm bảo hộ.

Đà Lạt trong giai đoạn này được chia thành hai thời kỳ nhỏ: 1946-1948 và 1949-1954.

3.1- ThỜI KỲ 1946-1948

Đây là thời kỳ thuộc người Pháp quản lý, thị trưởng thay đốc lý, nhưng vẫn duy trì bộ máy và quy chế cũ. Đà Lạt đã không còn như xưa nữa. Nhân dân Đà Lạt trong thời kỳ này đáp lời kêu gọi kháng chiến của Đảng đã tản cư, rút xuống vùng ven để kháng chiến. Dân số Đà Lạt bị giảm xuống đột ngột, năm 1946 còn 5.200 người. Vài năm sau, người Đà Lạt mới hồi cư trở lại và đến 1948 dân số lên đến 18.513 người. Trong thời kỳ này, người Pháp đang thắng thế về mặt quân sự. Việt Minh rút lui vào rừng núi để lập căn cứ kháng chiến. Đà Lạt tuy bình yên nhưng không được xây cất gì thêm, ngoại trừ trường dành cho học sinh Thượng (Ecole des montagnards du Langbiang) theo chủ trương chia để trị và việc thành lập "Tây Nguyên tự trị" của D'Argenlieu. Một đường hàng không Hà Nội - Đà Lạt được xây dựng xong (1948). Đà Lạt vẫn là nơi nghỉ ngơi du lịch của quan chức người Pháp và bản xứ.

3.2- ThỜI KỲ 1949-1954

Cuộc chiến ngày càng bất lợi cho thực dân Pháp, chính quyền ở Đông Dương đang tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam. Các đảng phái theo chủ nghĩa quốc gia chống đối Cộng sản nhóm họp tại Hương Cảng quyết định thành lập Mặt trận quốc gia, đặt dưới quyền lãnh đạo của Bảo Đại, tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Pháp, nếu Pháp thừa nhận nền độc lập của Việt Nam.

Để chuẩn bị cho Bảo Đại trở về nước, cả hai phía đã tiến hành một loạt hoạt động [9, 368-369]. Ngày 8.3.1949, một thỏa hiệp được ký giữa Tổng Thống Pháp Vincent Auriol và Bảo Đại, đến 30.12.1949 nước Pháp bàn giao quyền hành cho nước Việt Nam độc lập trong Liên hiệp Pháp. Vì thế, bác sĩ Trần Đình Quế - một người Việt quốc tịch Pháp - cai quản Đà Lạt. Một thời gian ngắn sau, Cao Minh Hiệu thay thế Trần Đình Quế.

Ngày 15.4.1950, Bảo Đại ký Dụ số 6 đặt các tỉnh Tây Nguyên thuộc Hoàng Triều Cương Thổ, và Dụ số 4 cùng năm (10.11.1950) xác định địa giới của Đà Lạt vẫn giữ nguyên như trước đây. Dân cư cũng tăng dần do sự nhập cư của người Thừa Thiên Huế, giáo dục khá phát triển.

Trong giai đoạn giao thời này, bộ máy hành chính vẫn giữ nguyên hiện trạng của giai đoạn trước. Mãi đến sắc lệnh số 4-QT/TD ngày 13.4.1953 mới có những thay đổi đáng kể. Hội đồng thị xã có 22 thành viên với 14 người Việt Nam (4 dự khuyết), 6 người Pháp (2 dự khuyết) và 2 người Thượng (1 dự khuyết). Hội đồng này do dân bầu có tính chất tư vấn và quyền biểu quyết. Đà Lạt được chia thành 10 khu phố với 30 ấp. Hội đồng khu phố được chọn lập một ủy ban hành chính khu phố gồm một chủ tịch, một thư ký và một ủy viên tài chính. Sự cố gắng của chính quyền Pháp và chế độ Hoàng Triều Cương Thổ trong giai đoạn này là hạn chế đến mức tối đa các luồng cư dân của người Việt Nam lên Đà Lạt, làm cho dân số suốt 9 năm trời hầu như không tăng lên. Nhìn chung trong giai đoạn 1945-1954. Đà Lạt hầu như không hề thay đổi bề ngoài. Dân số tuy có thay đổi về cơ cấu, vẫn giữ mức của năm 1945, kiến trúc ít được xây dựng thêm.

4. ĐÀ LẠT TRONG GIAI ĐOẠN ĐẤT NƯỚC BỊ CHIA LÀM HAI MIỀN (1954-1975)

Theo hiệp định Genève (1954), nước Việt Nam tạm chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Ở miền Nam, hiệp định không được thực hiện, đưa đến việc đất nước bị chia cắt hơn 20 năm.

Ngay từ năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cố gắng xác lập một nền hành chính mang sắc thái riêng. Dụ 21 bãi bỏ chế độ Hoàng Triều Cương Thổ được ký vào ngày 11.3.1955. Theo Dụ 17 ngày 14.12.1955, các phủ thủ hiến bị thay bằng toà đại biểu. Tuy thế Đà Lạt vẫn trực thuộc tổng thống như tinh thần của sắc lệnh số 4-QT/TD ngày 13.4.1953. Ngày 19.5.1958, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh 261-VN cắt bớt đất Đà Lạt chuyển sang tỉnh Tuyên Đức và cử thị trưởng Đà Lạt kiêm luôn tỉnh trưởng Tuyên Đức. Chức vụ này được cụ thể hóa như một sự kết hợp giữa hai toà thị chính và toà hành chính theo Sự vụ lệnh 68 VP/NV ngày 9.11.1960, do thị trưởng Đà Lạt kiêm tỉnh trưởng Tuyên Đức ký.

Năm 1961, toà thị chính tách ra khỏi tòa hành chính, nhưng lại được sáp nhập thành tòa hành chính Đà Lạt - Tuyên Đức (1963). Chỉ đến năm 1966 Đà Lạt mới có trụ sở hành chính riêng biệt với cơ quan tỉnh [3, 156-157]. Mặc dù trong lúc này hay lúc khác, chức tỉnh trưởng và thị trưởng có thể do một người đảm nhận. Chế độ tự trị và độc lập của thị xã Đà Lạt vẫn được giữ nguyên tinh thần cũ dưới thời Pháp thuộc. Vai trò của Hội đồng thành phố vẫn chiếm giữ vị trí quan trọng trong đời sống chính trị của thành phố.

Nền kinh tế của Đà Lạt vẫn giữ nguyên định hướng "cư dân dịch vụ" như trước: phát triển kinh tế nghỉ dưỡng - du lịch và nông nghiệp trồng rau hoa, nhưng mở ra một hướng mới: dịch vụ giáo dục và nghiên cứu khoa học và đào tạo được mở ra: Viện đại học Đà Lạt (1957), Trung tâm sơn cước, Giáo hoàng học viện, Trung tâm nguyên tử lực, Phòng thống kê địa phương Đà Lạt, Trường võ bị liên quân đổi thành Trường võ bị quốc gia (1959), chi nhánh nha văn khố quốc gia, thư viện Đà Lạt (1960), Hội Việt - Mỹ (1963), Trường đại học chiến tranh chính trị (1966), Trường chỉ huy và tham mưu (1967), Trung tâm văn hoá Pháp (1967). Ngoài ra, không kể các trường sơ tiểu học. Đà Lạt còn có 13 trường trung học, chuyên nghiệp và dạy nghề (theo thống kê năm 1971) [3, 153], trong đó có những trường nổi tiếng trên toàn quốc như Lycée Yersin, Couvent des Oiseaux, Adran... Đặc biệt là các loại hình trường nội trú thu hút học sinh từ mọi miền đến học tập. Các công trình phục vụ du lịch được tiếp tục xây dựng và sửa chữa: Chợ Đà Lạt, đường xung quanh hồ Xuân Hương, khu vực trung tâm, mở rộng và sáp nhập vào Đà Lạt sân bay Liên Khương (1961), các điểm du lịch hồ Than Thở, thác Prenn, Thung lũng Tình yêu v.v... được tôn tạo thêm để hấp dẫn du khách. Hàng loạt biệt thự do các quan chức, tướng tá Sài Gòn xây dựng được mọc lên và tập trung ở khu vực đường Nguyễn Du, Quang Trung, Nguyễn Đình Chiểu, Lữ Gia. Chùa chiền, các tu viện của các dòng tu Thiên Chúa Giáo và Tin Lành được xây dựng làm cho sinh hoạt văn hóa Đà Lạt ngày càng đa dạng và phong phú. Đến năm 1975, Đà Lạt đã có hơn 40 chùa, trong đó có những chùa đẹp có nhiều du khách vãn cảnh như: chùa Linh Sơn (1938-1942), chùa Linh Quang (trùng tu năm 1969), chùa sư nữ Linh Phong (1948-1962) v.v...[21]. Nhà thờ, tu viện của 29 dòng tu Thiên Chúa Giáo và các cơ sở văn hoá giáo dục do giáo hội lập ra đã làm tăng vẻ đẹp của cảnh quan của Đà Lạt [22].

Nền hành chính của thời kỳ Ngô Đình Diệm vẫn giữ nguyên tinh thần của sắc lệnh 1953 [3, 158-159]. Từ khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, cuộc chiến ở Việt Nam ngày càng khốc liệt hơn, các sĩ quan thay thế các thị trường dân sự. Những cố gắng xây dựng quy hoạch mới cho đô thị Đà Lạt đều không thành công.

Sự khác nhau giữa giai đoạn này với các giai đoạn trước là Đà Lạt nằm trong tay người Việt, nhu cầu trở thành "Thủ đô mùa hè" đã bị lãng quên, chỉ còn giữ lại chức năng nghỉ dưỡng - du lịch. Hơn thế, Đà Lạt giai đoạn này đang vươn tới một trung tâm văn hóa, giáo dục và nghiên cứu. Phong cách kiến trúc cũng có thay đổi: các kiểu nhà châu Âu đang bị Mỹ hóa bởi các nhà hộp nhiều tầng, mái bằng, tường ngoài bằng đá rửa... Điều đáng tiếc là những "kiểu nhà ở tạm thời" trong những quy hoạch xưa cũng lấn dần ra trung tâm thành phố làm mất dần vẻ đẹp quy hoạch của một thành phố vườn, một cảnh quan, một phong cách kiến trúc đặc biệt của thành phố cao nguyên.

5. ĐÀ LẠT GIAI ĐOẠN ĐẤT NƯỚC THỐNG NHẤT (1975 ĐẾN NAY)

Mùa xuân 1975 đã mở đầu một trang sử mới của dân tộc, trong đó có Đà Lạt. Ngày 3.4.1975, chính quyền cách mạng, chính quyền của nhân dân, đã làm chủ thành phố. Lúc này thành phố Đà Lạt, cũng như các địa phương khác ở miền Nam nước ta, đều trong chế độ quân quản và thời gian ban đầu trực thuộc tỉnh Tuyên Đức, (4.4.1975), sau đó chuyển sang khu VI (6.5.1975). Ngày 5.6.1976 Đà Lạt được xác định là thành phố tỉnh lỵ tỉnh Lâm Đồng.

Nhìn chung, giai đoạn lịch sử mới này đầy những biến động lịch sử:

- Đất nước ta chuyển từ thời chiến đến thời bình nhưng vẫn còn sự đe dọa cuộc chiến tranh ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc Tổ quốc; tình hình bất ổn về an ninh ở các tỉnh miền núi.

- Cơ chế xã hội chủ nghĩa ở các tỉnh miền Nam chưa kịp củng cố uy tín, trong khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và ở Liên Xô sau này đang khủng hoảng và tan rã.

- Tình hình kinh tế hậu chiến gặp không ít khó khăn. Thành phố du lịch Đà Lạt, trong bối cảnh chung đó, càng gặp khó khăn hơn, bởi vì đời sống kinh tế dịch vụ luôn luôn phụ thuộc vào thị trường tự do và ổn định. Giai đoạn này, sự phát triển của Đà Lạt có thể chia ra hai thời kỳ nhỏ:

+ Thời kỳ đầu của chế độ mới (1975-1985).

+ Thời kỳ chuyển mình (1986-1993).

5.1 THỜI KỲ ĐẦU CỦA CHẾ ĐỘ MỚI (1975-1985)

Những ngày đầu của chính quyền cách mạng, dân số bị tụt xuống ít nhiều do nhiều cơ sở cũ của quân đội, giáo dục và bộ máy chính quyền cũ rút chạy về Sài Gòn, nhưng dần dần được bổ xung từ các nguồn cán bộ tăng cường và quân đội, dân số Đà Lạt chững lại ở con số 85.883. Công tác an ninh, ổn định chính trị, cải tạo xã hội được đặt lên hàng đầu. Khách du lịch trong và ngoài nước vắng hẳn thỉnh thoảng mới có một vài đoàn du lịch "bao cấp". Đà Lạt lúng túng với cơ cấu kinh tế công-nông-lâm nghiệp và du lịch. Chủ trương tự túc lương thực và lấy nông nghiệp làm trọng tâm trong thời gian này là bước đi cần thiết, nhưng không tránh được những băn khoăn và day dứt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Lạt qua các kỳ đại hội Đảng. Những thành tựu của Đà Lạt lúc này là tập trung ổn định các cư dân vùng nông thôn, mở rộng địa giới Đà Lạt ra các vùng ven như Thái Phiên (1975), Xuân Trường, Xuân Thọ (1979), và đặc biệt là ổn định vùng cư dân Thượng. Việc sáp nhập thêm xã dân tộc ít người Tà Nung vào thành phố Đà Lạt là nằm trong sự định hướng chung của chính quyền trong giai đoạn này. Vùng nông nghiệp được kiến thiết lại, đường sá ở các khu vực này được sửa sang và làm mới. Đặc biệt là hệ thống mạng lưới điện đưa vào phục vụ nông thôn và sản xuất nông nghiệp ngày một mở rộng. Các hồ được nạo vét và xây dựng như đập 1 Đa Thiện (1977), hồ Chiến Thắng (1981), hồ Xuân Hương (1983-1984), hồ Tuyền Lâm (1984). Sản lượng rau, do nhu cầu của thị trường bị giảm sút và khó khăn về vật tư, cũng đã đạt những kết quả khả quan 70.987 tấn (1977). Nông dân Đà Lạt trong giai đoạn này sớm thích ứng với thị trường, ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô vào sản xuất khoai tây. Đến năm 1978, diện tích khai hoang tăng 40%, trồng rừng 43%. Chăn nuôi được khuyến khích với đàn bò 3.746 con, đàn heo 7.500 con, xí nghiệp gà Đà Lạt 30.000 con (1981)... Nghề trồng hoa vẫn được duy trì như trước đây, một vài ngành như trồng lan xuất khẩu được rộ lên trong giai đoạn này do nhu cầu thị trường Liên Xô và Đông Âu, nhưng lại lắng xuống do biến động chính trị, kinh tế du lịch gặp nhiều khó khăn. Hình thức du lịch công đoàn mang lại cho du lịch Đà Lạt đôi nét khởi sắc. Một vài cảnh quan được tôn tạo như khu vực thác Đatanla, hồ Tuyền Lâm, Thung lũng tình yêu, thác Cam Ly... Một số dinh thự và biệt thự được đưa vào phục vụ du lịch với hình thức liên doanh; nhà nghỉ Đồng Tháp, khách sạn Hải Sơn được khởi công vào những năm cuối của thời kỳ này. Một số công trình văn hóa được đầu tư xây dựng: Nghĩa trang liệt sĩ, Cung văn hóa thiếu nhi Lâm Đồng, Đài truyền hình, Bảo tàng Lâm Đồng.


Ngoài việc mở rộng mạng lưới điện đưa vào phục vụ tận các làng nông nghiệp, một thành tựu quan trọng khác là hoàn thành việc xây dựng nhà máy nước Suối Vàng (viện trợ của Đan mạch) vào năm 1984 với công suất 18.000m3/ngày, bảo đảm cho nhân dân Đà Lạt và du khách đủ lượng nước cần dùng với chất lượng cao hơn.

Giáo dục Đà Lạt tiếp thu một cơ ngơi đồ sộ (56 trường học trước đây), tuy gặp khó khăn trong những ngày đầu do thiếu đội ngũ giáo viên (đặc biệt là các môn khoa học xã hội), nhưng có những thành tựu đáng kể. Nền giáo dục mới với cơ chế bao cấp có những hạn chế như để nhiều trường lớp bị xuống cấp, nhưng có ưu thế riêng của nó: rất nhiều con em tầng lớp lao động được đến trường. Năm 1977, Đà Lạt đã hoàn thành xóa nạn mù chữ, tỷ lệ bốn người dân Đà Lạt có một người đi học giữ vững cho đến hôm nay là dấu hiệu của truyền thống hiếu học. Mặc dù đời sống khó khăn nhưng tỷ lệ giáo viên bỏ nghề ở Đà Lạt tương đối thấp. Trường Đại học Đà Lạt và các cơ sở nghiên cứu khoa học như Viện Pasteur, Viện nghiên cứu hạt nhân... tiếp thu các cơ sở cũ và sớm tái hoạt động.

Những năm đầu tiên của chế độ mới, chính quyền và nhân dân Đà Lạt đã làm được khá nhiều việc để giải quyết những khó khăn trước mắt. Nhiều khó khăn và lo toan thiển cận đã cản trở tầm nhìn xa của Đà Lạt. Vẻ đẹp của thành phố bị xuống cấp ngày một rõ rệt. Trước hết đường sá nội thị bị hư hỏng vì vốn đầu tư ít ỏi lại tập trung cho các con đường ngoại vi. Việc mở rộng diện tích nông nghiệp làm các hồ bị bồi lắng nhanh chóng. Việc khai thác rừng, làm khí hậu và cảnh quan ngày một xấu, quan trọng hơn, nguồn nước của các nhà máy thủy điện Đa Nhim và Trị An ngày càng bị thiếu hụt vào mùa khô. Sai lầm lịch sử này cần được sửa chữa. Đã đến lúc Đà Lạt phải trở về đúng quỹ đạo phát triển của mình khi cả nước đang đứng trước thời kỳ mở cửa.

5.2 THỜI KỲ CHUYỂN MÌNH (1986-1993)

Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ sáu đã mở cửa ra cho đất nước ta và cả Đà Lạt một thời kỳ mới: thời kỳ của cơ chế thị trường.

Đà Lạt được xác định là một trong những trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng của cả nước. Dự án VIF 89-003 của Tổ chức du lịch quốc tế (OMT) cũng đã xác nhận Đà Lạt là một trong các hạt nhân của tổ chức đó. Mặt khác, làn sóng du lịch của nhân dân trong cả nước và du khách nước ngoài ngày một tăng làm cho thành phố ngày một sống động hơn. Hàng loạt khách sạn, nhà hàng được sửa chữa, tân trang. Nhiều biệt thự ở khu vực đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, đường 3 tháng 4 ... được đưa vào phục vụ du lịch. Hệ thống điện thoại tự động 2000 số được xây dựng, mạng lưới điện mở rộng, hệ thống cấp nước nâng lên 25.000m3/ngày (1991) và đang có kế hoạch dự kiến 50.000 m3/ngày vào năm 2000. Nâng cấp sân golf, khách sạn Palace, chợ Đà Lạt... Hàng loạt dự án đầu tư trong và ngoài nước cho Đà Lạt vào thời gian gần đây... Cả Đà Lạt đang chuyển mình vào nền kinh tế dịch vụ du lịch.

Nghề trồng rau quả và hoa vẫn được duy trì như trước đây. Ủy ban nhân dân thành phố vẫn muốn phát triển Đà Lạt thành một trung tâm rau hoa, đặc biệt là những chủng loại rau hoa ôn đới. Thủ công nghiệp Đà Lạt những năm gần đây được chú ý. Hàng mỹ nghệ mây tre và chạm bút lửa phụ thuộc thị trường nên lên xuống thất thường, được thay thế bằng nghề đan thêu ngày càng được củng cố, thu hút khá nhiều lao động của thành phố (2.500 người có tay nghề cao). Ngành chế biến nông phẩm còn thô sơ, tạo ra ít chủng loại và bao bì chưa đẹp làm cho sản phẩm bị hạ giá, mất đi một nguồn thu cho thành phố và người sản xuất.

Giáo dục Đà Lạt mở ra những triển vọng mới, thu hút khá nhiều học sinh và sinh viên từ các địa phương khác đến đây học tập. Năm học 1991-1992, Đà Lạt có gần 36.000 học sinh và sinh viên, đó là chưa kể các lớp học ngắn hạn, ban đêm do các Trường đại học Đà Lạt, Trường cao đẳng sư phạm Lâm Đồng, Trung tâm bồi dưỡng, đào tạo tại chức tỉnh, Trung tâm khoa học - kỹ thuật Trẻ v.v... tổ chức, thu hút rất nhiều học viên. Loại hình trường dân lập, trường bán công, trường chuyên, trường thanh niên dân tộc nội trú... làm cho hệ thống trường lớp ở Đà Lạt hấp dẫn hơn. Nhìn chung muời tám năm qua, đời sống của nhân dân Đà Lạt ngày một ổn định hơn. Chính quyền đã tạo nhiều điều kiện cho quần chúng nhân dân lao động trong cuộc sống và hoạt động kinh tế. Những cố gắng vượt bực về điện, nước và phổ cập giáo dục toàn dân là những thành tựu đáng ghi nhận. Tốc độ xây dựng mới (500 ngôi nhà mỗi năm) trong mấy năm gần đây cũng là nét ưu việt của chế độ mới. Tuy nhiên, Đà Lạt đã có những buớc đi sai lầm đáng tiếc: Đó là sự phá vỡ, hủy hoại cảnh quan thiên nhiên do nhu cầu kinh tế, việc xây dựng mất trật tự và thiếu quy hoạch. Đó là sự hạn chế trong công tác quản lý đô thị, sự phân cấp quản lý thành phố chồng chéo nhưng lại lỏng lẻo giữa các cấp địa phương; thiếu một quy chế quản lý đô thị riêng cho một thành phố đặc biệt như Đà Lạt. Chưa có một thiết chế văn hoá cởi mở và khoa học để xây dựng Đà Lạt và con người Đà Lạt có phong cách riêng của một nền văn hoá du lịch cần có.

Nhìn ra sai lầm là một chuyện dễ, nhưng sửa chữa nó càng khó hơn vì Đà Lạt muốn trở thành như chúng ta mong muốn không phải chỉ nhờ vào ý chí và nghị lực không thôi, mà cần phải hiện thực hóa những mong muốn đó bằng đầu tư trí tuệ và công của không ít.

Thông Tin Đà Lạt