Quảng cáo trong nội dung văn bản

Lâm Đồng: Chàng kỹ sư điện bỏ nghề về trồng rau thu trăm triệu đồng mỗi tháng

Từng là kỹ sư tại thành phố lớn, tuy nhiên cuộc sống không đủ trang trải nên anh Lê Xuân Minh (SN 1983, ở Lâm Đồng) quyết định về quê lập nghiệp bằng nghề trồng rau. Từ những luống rau ban đầu, đến nay anh Minh đã mở rộng vườn rau hơn 2 ha cho thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi tháng.

Anh Minh đang chăm sóc vườn rau thơm của gia đình.
» Chàng trai Nhật Bản bỏ phố lên rừng mở trang trại hoa tại Đà Lạt

Sau cuộc hẹn chúng tôi có dịp ghé thăm vườn rau của gia đình anh Lê Xuân Minh tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Được sự hướng dẫn của anh, sau khi vượt qua mấy cánh đồng tại tổ 19, chúng tôi cũng đến được ruộng rau thơm của vợ chồng anh.


Anh Minh cho biết, trong vườn nhà anh chủ yếu trồng các loại rau thơm như: kinh giới, tía tô, diếp cá. Rau được bón bằng phân đen (hữu cơ), đặc biệt không phun thuốc trừ sâu.

Nói về việc bén duyên với cây rau, anh Minh kể, từng làm kỹ sư ngành điện với lương tháng 10 triệu đồng ở thành phố lớn, nhưng cuộc sống nơi thành thị không đủ trang trải cuộc sống, nên anh quyết định đưa vợ con về quê Lâm Đồng lập nghiệp.

Cuộc sống ở quê nhà cũng khó khăn, vì không có vốn liếng, đất đai nên 2 vợ chồng anh phải đi làm thuê, làm mướn. Trong khi đó, tại nơi anh sống là huyện Đức Trọng - vùng chuyên canh cây rau lớn nhất của Lâm Đồng- nhiều gia đình phất lên từ sản xuất rau. Nghĩ vậy, anh về bàn với vợ phải thay đổi hướng làm ăn mới mong được thoát nghèo.

Gia đình anh Minh chủ yếu trồng rau thơm các loại như: diếp cá, kinh giới, tía tô.

Tháng 4/2014, vợ chồng đã đi vay mượn tiền mua 1.000m2 đất và quyết định trồng các loại rau thơm. Sau khi tìm hiểu kỹ thuật trồng rau và sau 1 thời gian chăm sóc những luống rau thơm của gia đình anh Minh bắt đầu xanh tốt và cho thu hoạch.


Lúc đầu, rau của gia đình anh chỉ bán ở chợ, thị trường chưa ổn định nhưng cũng có thu nhập. Một lần tình cờ anh Minh đi làm thêm về điện cho 1 công ty chuyên thu mua rau, biết anh trồng rau thơm công ty đã có ý hỏi thu mua thêm rau của gia đình anh, nhưng với điều kiện rau phải đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Sau đó, công ty này đã cho người xuống vườn nhà anh Minh lấy mẫu rau để kiểm tra. Kết quả rau của vợ chồng anh đạt yêu cầu chất lượng an toàn, sau đó công ty này đã nhận bao tiêu 1 phần sản phẩm rau cho gia đình anh. Từ đó, vợ chồng anh Minh chuyển qua trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP- rau an toàn.

Ngoài việc mang lại thu nhập cao cho gia đình, vườn rau của vợ chồng anh Minh còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Khi mới bắt đầu trồng rau, vợ chồng anh Minh gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật canh tác cây trồng. Nhưng nhờ sự cần cù, tìm tòi và học hỏi sau 1 thời gian đúc kết cuối cùng những luống rau của anh chị cũng mọc xanh tốt và đạt chất lượng.

“Trồng rau thơm quan trọng nhất là làm đất phải kỹ, cắt rau xong phải cày phơi đất, sau đó rải phân chuồng ủ hoai cùng vôi và phân lân. Cuối cùng là lên luống rồi trồng rau, 1 tuần sau bón phân hữu cơ để cây phát triển. Việc trồng rau phải thực hiện đúng tiêu chuẩn cũng như kỹ thuật, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới là nước ngầm không dùng nước mương, thủy điện...”, anh Minh chia sẻ.

Nhờ sự cần cù chịu khó phát triển vườn rau cho thu nhập ổn định, sau 1 thời gian tích luỹ, vợ chồng anh Minh dần dần trả được nợ và mua thêm đất trồng rau. Từ 1.000m2 đất trồng rau ban đầu, vợ chồng anh đã phát triển vườn rau lên tới hơn 2ha.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật vườn rau xanh tốt của anh Minh mỗi ngày thu về hơn 4 triệu đồng.

Hiện, với hơn 2ha rau thơm, trồng cuốn chiếu theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi ngày anh Minh xuất ra thị trường bình quân 400kg rau, với giá bán từ 10.000-12.000 đồng/kg, anh thu về trên 4 triệu đồng.

Bà Vy Hoàng Ngọc Lệ, chuyên viên khuyến nông thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng) cho biết: “Mô hình trồng rau thơm theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh Minh rất hiệu quả, ngoài việc mang lại thu nhập cao cho gia đình còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Chúng tôi đang nghiên cứu nhân rộng mô hình này để người dân có thể học hỏi, thay đổi canh tác cây trồng để phát triển kinh tế gia đình”.


Theo Doanh Nghiệp Việt Nam