Quảng cáo trong nội dung văn bản

Sôi động chợ hoa Đà Lạt ngày giáp Tết

Như mọi năm trước Tết Nguyên đán khoảng 15 ngày, trên nhiều tuyến đường chính tại TP Đà Lạt, các tiểu thương bày bán hàng trăm loại hoa tết cùng với đó là cảnh người dân tấp nập thưởng ngoạn, mua bán sôi nổi.

Du khách tấp nập mua hoa, thưởng ngoạn và chụp hình lưu niệm tại các cung đường hoa xuân

Năm nay, UBND TP Đà Lạt tiếp tục có chủ trương cho phép một số phường trên địa bàn phân lô vỉa hè để người dân thuê bày bán các loại hoa, hàng hóa dịp tết nên ngoài các khu chợ chính thì trên các trục đường Trần Quốc Toản (trước quảng trường Lâm Viên, Phường 10), đường Quang Trung, Trần Quý Cáp (Phường 9), đường Nguyễn Văn Cừ (Phường 1)… không khí mua bán diễn ra nhộn nhịp như trong một chợ hoa thực thụ. 

Sáng ngày 8/2 (tức ngày 23 tháng chạp), trên đường Trần Quốc Toản hằng trăm loại hoa đẹp, độc và lạ đã được thương lái bày bán dọc bờ hồ Xuân Hương. So với các cung đường hoa xuân khác, khu vực trên được người dân đổ về xem nhiều nhất bởi diện tích vỉa hè rộng cùng với không gian quảng trường Lâm Viên thoáng đãng. Đông vui nhất là khoảng 17h chiều, hàng trăm người dân TP Đà Lạt và các huyện lân cận tới thăm quan, mua sắm cũng như chụp hình lưu niệm. 

Bán hoa online ngày Tết hút khách

Anh Trần Văn Toàn (36 tuổi, ngụ thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An), là một trong những ông chủ trồng hoa đào nổi tiếng của huyện Đức Trọng nhận xét, năm nay gia đình anh có gần 4.000 gốc đào Nhật Tân, một lượng nhỏ đào Thất Thốn trong đó có khoảng 30% đào anh bán nhờ quảng cáo trên online. “Ngoài đem đào lên chợ hoa Đà Lạt (đường Trần Quốc Toản) bán và cho thuê, tôi cũng bán chủ yếu tại vườn, đặc biệt là có một lượng khách hàng không nhỏ chọn mua đào thông qua mạng Fecbook và  Zalo cá nhân” - anh Toàn nói.

Theo ghi nhận, những ngày giáp Tết có rất nhiều người dân, chủ các vườn hoa, người buôn hoa thay vì bán hàng theo cách truyền thống đã biết chuyển qua kênh bán hoa qua mạng xã hội Fecbook, Zalo hay liên kết với các trang mạng xã hội có đông người theo dõi để quảng cáo và thu hút người mua. Đây là loại hình buôn bán nở rộ khoảng 2 năm nay với lợi thế chi phí kinh doanh vận hành thấp, tiện lợi về mặt thời gian, giá cả cạnh tranh…


Bà Trần Thị Huyền (57 tuổi, người dân Đà Lạt), chủ một gian hàng mai chuyển từ miền Tây vào Đà Lạt chia sẻ: Các mặt hàng hoa đặc trưng được người dân ưa chuộng năm nay vẫn là đào, mai, quất, địa lan cùng các loại hoa chậu, cây cảnh. “Năm trước tôi buôn quất nhưng năm nay chuyển qua mua mai về bán với giá tăng nhẹ khoảng 10% so với năm ngoái. Thị hiếu người dùng năm nay thích loại mai ghép “mini” chậu nhỏ với giá phổ thông tầm 200.000 đồng tới 300.000 đồng” - bà Huyền vui vẻ nói.

Theo ghi nhận, năm nay mặt hàng quất được nhiều thương lái chuyển chủ yếu từ miền Bắc vào Đà Lạt với số lượng lớn. Giá quất giao động từ 1 triệu tới 1,7 triệu/cây, quất chậu nhỏ giá tầm 300 - 400 ngàn đồng/chậu. Những chậu nhỏ độ cao dưới 1m có giá trong khoảng 200 - 400 ngàn đồng. Cúc mâm xôi được vận chuyển từ miền Tây lên có giá 500 - 600 ngàn đồng/chậu lớn. Một loại cây cảnh tương tự là quýt cảnh, cam và loại cam ghép trái hình phật thủ cũng được bày bán với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng mỗi cây. 

Hoa lily năm nay được giá, trung bình giá bán sỉ 200.000 đồng/chậu 3 cây. Tại làng hoa Thái Phiên người dân phấn khởi thu hoạch hoa để chuyển xuống thị trường phía Nam chiều ngày 8/2

Còn tại đường Nguyễn Văn Cừ, một số thương lái cho hay ngoài một số cây đào thế đẹp được bán 15 tới 30 triệu/gốc thì các gốc đào khác trung bình có giá vài triệu tới cả chục triệu đồng. Các chậu đào để bàn, đào tạo dáng tiểu cảnh có giá từ 500 ngàn đồng tới 2 triệu đồng. Riêng với các gốc đào Nhật Tân đẹp giá cho khách thuê trưng tết giao động tầm 1,5 triệu tới 5 triệu/gốc và được khách thuê khá nhiều. 

Trong khi đó, trên đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, hoa lan (địa lan, hồ điệp, lan rừng) là thế mạnh thị trường hoa Lâm Đồng được bày bán khá nhiều. Ông Nguyễn Hữu Hào (45 tuổi, chủ một vườn địa lan Phường 12) cho biết, giá địa lan cắt cành năm nay khá đa dạng, đáp ứng đủ chủng loại cho người dân lựa chọn. Như địa lan vàng New Zealand giá khoảng 800 ngàn đồng một cành, địa lan màu cam lửa có giá 400 ngàn đồng, địa lan xanh giá 600 ngàn đồng… Tùy lựa chọn của khách hàng, giá tiền một chậu được tính dựa trên số lượng cành và các chủ vườn đều sẵn sàng ghép chậu nhiều hay ít cành theo yêu cầu của khách hàng.


Trên phố đã vậy, dưới những nhà vườn, ruộng hoa của người dân không khí mua bán hoa Tết cũng không kém phần sôi động. Tại các làng hoa truyền thống như Vạn Thành, Thái Phiên, Hà Đông…, hàng ngàn hộ dân đang dồn sức thu hoạch, vận chuyển hoa tết lên xe để các thương lái đưa xuống thị trường phía Nam tiêu thụ cho kịp ngày cuối năm. Ông Hồ Ngọc Dinh - Chủ tịch Hội Nông dân Phường 12 cho biết, dịp này hoa lily nở chậm nhưng cành to và đẹp hơn năm trước, trong khi một số loài hoa như lay ơn, hoa cúc, đồng tiền… cung cấp cho thị trường dịp Tết năm nay có giá thành tăng so cùng kỳ năm ngoái khoảng 30%. 

Theo Hiệp hội Hoa Đà Lạt, hiện diện tích canh tác hoa tại TP Đà Lạt và vùng phụ cận hơn 7.760 ha với nhiều loại hoa được gắn nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt”, như:  địa lan, hồng, cúc, cẩm chướng, cát tường, lay ơn, salem, ngàn sao, hồng môn, đồng tiền và lily… với sản lượng ước đạt khoảng 2,4 tỷ cành, đáp ứng đủ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán 2018.

Anh Trần Văn Toàn (36 tuổi, ngụ thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An) - chủ vườn đào Nhật Tân lớn nhất nhì huyện Đức Trọng cho biết ngoài bán đào ngoài phố, số lượng khách tới mua qua online chiếm số lượng khá lớn so với cách bán truyền thống


C.PHONG (Báo Lâm Đồng)