Quảng cáo trong nội dung văn bản

Khai mạc triển lãm “Đà Lạt trong lòng sử Việt” tại thành phố Đà Lạt

Sáng ngày 26/12, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với UBND thành phố Đà Lạt tổ chức Khai mạc triển lãm tài liệu lưu trữ chuyên đề “Đà Lạt trong lòng sử Việt” tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Các em học sinh tham quan triển lãm
Dự triển lãm có ông Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; bà Huỳnh Thị Thanh Xuân, Bí thư Thành ủy Đà Lạt; ông Tôn Thiện San, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt; các đại biểu đại diện các Sở, ban, ngành của tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt; các cơ quan thông tấn, báo chí đến tham dự và đưa tin.


Các đại biểu tham quan triển lãm



Triển lãm nhằm nhằm giới thiệu đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế giá trị của tài liệu lưu trữ về lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển của thành phố Đà Lạt vốn một thời được ví von là "Xứ hoa Anh Đào" hay "Tiểu Paris". Tại triển lãm đã có hơn 40 tài liệu là những phiên bản Mộc bản Triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới, tài liệu bản đồ, bản thiết kế, hình ảnh,..về vùng đất Đà Lạt xưa.

Lần theo nguồn thư tịch cổ, Đà Lạt khi xưa nằm trong khu vực được gọi chung là Lâm Sơn phần – vùng đất hoang vu và kỳ bí. Thời khắc 3 giờ 30 phút ngày 21/6/1893 đã trở thành dấu mộc quan trọng, là tiền đề cho sự khai sinh ra thành phố Đà Lạt sau này. Đó là thời khắc bác sỹ Yersin đã đặt chân lên cao nguyên Lang Bian. Bị hấp dẫn bởi khí hậu trong lành và nét duyên dáng của miền đất lạ, bác sỹ Yersin đã đề nghị Toàn quyền Đông Dương xây dựng tại đây một trạm điều dưỡng cho quan chức và kiều dân Pháp. Ngày 01/11/1899, Toàn quyền Đông Dương đã ký Nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng. Đây là tiền đề pháp lý đầu tiên cho việc hình thành đô thị Đà Lạt sau này.

Ngay từ khi mới thành lập, chính quyền thuộc địa đã tiến hành quy hoạch xây dựng và phát triển thành phố một cách bài bản, khoa học với tham vọng biến nơi đây thành một nước Pháp thu nhỏ giữa miền sơn cước.

Loading...

Năm 1900, Paul Champoudry được bổ nhiệm làm thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt. Paul Champoudry đã xây dựng một đồ án tổng quát quy hoạch Đà Lạt, kèm theo dự án chỉnh trang và phân lô cho thành phố trong tương lai. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí và thiếu sự nhất quán trong chính sách của chính quyền thuộc địa, đồ án này chỉ được thực thi một phần, vì thế diện mạo thành phố Đà Lạt lúc này chưa có nhiều thay đổi.

Ngày 06/01/1916, toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập tỉnh Lang Bian. Năm 1923, đồ án của Hebrard được thông qua, ông chia thành phố thành 3 khu vực: một cho người Âu, một cho người bản xứ và khu vực còn lại là trung tâm hành chính có chức năng là thủ đô hành chính của Liên bang Đông Dương. Tuy nhiên, bản quy hoạch của Hebrard được đánh giá là quá tham vọng và viển vông, quy hoạch bị thất bại. Năm 1933, Pineau đã trình bày một đồ án quy hoạch mới đưa Đà Lạt hướng tới một đô thị thực thụ, hòa nhập với môi trường thiên nhiên. Năm 1943, Lagisquet tiếp tục đưa ra kế hoạch mở rộng vùng đô thị, đề xuất cải thiện, phát triển và làm đẹp thành phố với mô hình “thành phố - vườn”.

Những kế hoạch chỉnh trang nối tiếp nhau của các kiến trúc sư, từ kế hoạch của Champoudry năm 1906 cho đến Lagisquet năm 1943, người Pháp luôn tìm cách hợp lý hóa việc chỉnh trang không gian bằng cách chú ý đến cảnh quan thiên nhiên vốn có của thành phố Đà Lạt.

Triển lãm đã giới thiệu đến công chúng các công trình, kiến trúc tiêu biểu của người Pháp đã để lại cho Đà Lạt như tuyến đường sắt răng cưa nối Tháp Chàm - Đà Lạt. Trường Lycee Yersin, nay là trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, nhà thờ, Công thự và Dinh thự mang đậm kiến trúc Pháp hiện hữa trên thành phố ngàn hoa này.

Cũng tại triển lãm lần này, 20 phiên bản Mộc bản Triều Nguyễn ghi chép về Quốc hiệu và Kinh đô của dân tộc Việt Nam trong tiến trình phát triển của lịch sử đã được đưa ra giới thiệu, giúp công chúng hiểu biết hơn về giá trị của tài liệu lưu trữ, qua đó thêm trân trọng, yêu quý những di sản, những thành quả của các thế hệ ông cha để lại./.

Một số hình ảnh triển lãm:



Trần Minh - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Theo Bộ Nội Vụ