Quảng cáo trong nội dung văn bản

Làm thế nào để nhận biết người Đà Lạt chính gốc?

Con người Đà Lạt vốn thanh lịch làm tô thêm vẻ đẹp của một thành phố - Thành phố du lịch! Người Đà Lạt vừa chịu ảnh hưởng sâu đậm bản sắc văn hóa và đời sống tinh thần phương Đông lại sớm tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của nền văn minh hiện đại phương Tây.

» 100 bức ảnh cực quý về Đà Lạt xưa có thể bạn chưa biết


- Trong túi xách của người Đà Lạt lúc nào cũng có chai dầu nóng.
- Người Đà Lạt trước đây không bao giờ ăn mặc hở hang và tuyệt đối không thấy ai mặc đồ bộ ra đường. Đến bà bán bánh bèo gánh còn mặc áo dài...
- Đường phố Đà Lạt không có xe xích lô, dân Đà lạt thích uống cafe nóng pha fin. Nội thành Đà lạt nhà nào cũng trồng hoa nhưng ngoại thành có loại hoa không trồng nhưng lại rất đẹp, sống bạt ngàn đó là hoa dã quỳ.
- Người Đà Lạt có giọng nói được tổng hợp từ nhiều vùng, không sai chữ l,n hay v,z, giọng nói rõ ràng từng chữ và không mang đặc trưng vùng nào hết.
- Trước khi siêu thị Big C ra đời thì người Đà Lạt hầu như không thích đi siêu thị, gần nhà có tạp hóa, chợ nhỏ nên người dân chỉ ra mua tại đó, giá bán lẻ cũng như giá bán sỉ nên chẳng ai vào siêu thị làm gì (mắc công gởi xe, tốn tiền).
- Người Đà Lạt đi xe ít khi bóp còi inh ỏi, mọi người nhường nhau bằng ánh nhìn, cũng chẳng chen lấn làm gì (nhiều lúc trời lạnh chạy nhanh gió thổi lạnh teo luôn nên chạy chậm cho chắc). 
- Đèn giao thông hả? Đà Lạt không có cái nào đâu nha.
- Người Đà Lạt đệm từ “dạ” trước mỗi câu nói: Dạ cảm ơn, dạ xin lỗi, dạ bán cho…, đệm từ “tè” sau mỗi từ chỉ về cảm giác phấn khích, cảm xúc như: vui tè, hay tè, chán tè... Người Đà Lạt cũng dùng từ “hè”, “hơ” để làm câu hỏi: vui hè?, buồn hè?, vui hơ?, buồn hơ? Họ cũng dùng từ “nơi” ở mỗi cuối câu để biểu đạt cảm xúc như: em không biết nơi, dạ chưa có đi nơi…
- Người Đà Lạt kể chuyện hay dùng “xong cái….xong rồi cái…” 


- Người Đà Lạt có thể quen nhau từ thời còn ở truồng tắm mưa: nhà gần nhau, mầm non không học chung thì tiểu học sẽ học chung; tiểu học không chung thì trung học sẽ chung. Nói chung là chắc chắn có vài lần học chung (vì Đà Lạt nhỏ mà trường học thì không có nhiều).
- Xứ này hoa nhiều, hoa mọc đầy đường đầy lối, mà người ở đây chẳng ai thèm hái, dân xứ tui ngộ vậy đó. Nếu đi ngoài đường mà thấy có ai hái hoa thì đảm bảo không phải dân Đà Lạt đâu nha.

Hôm trước đi cùng đoàn xe với mấy người du lịch, chạy đến đầu đèo đường vào thành phố, nguyên đoạn đường trồng hoa hồng nở rộ, mấy anh chị bảo, "Ở mình mua 5 ngàn 1 bông, ở đây họ trồng để không vậy đây hỏi có tức không chứ?"


- Người Đà Lạt gốc không thích đi mấy chỗ du lịch, nếu có thì ngàn năm mới đi được một lần lúc khu du lịch đó khai trương, không thì bạn bè họ hàng ở xa đến dẫn họ đi thôi. Nên là nếu hỏi người Đà Lạt về mấy khu du lịch như: trong đó có gì hay, có trò gì vui… phần lớn chẳng ai biết đâu, còn không thì là những trò chơi mà có từ vài năm trước cũng không biết giờ có còn không nữa. Chẳng thà hỏi ở Đà Lạt chỗ nào ăn ngon thì ngóc ngách nào người Đà Lạt cũng biết hết. 
- Người Đà Lạt thường đi ngủ sớm, khoảng 8, 9h tối là cửa hàng bắt đầu đóng cửa hết, đường phố vắng tanh. Chắc do trời lạnh mọi người tranh thủ trùm chăn cho ấm.
- Ngày xưa (nhấn mạnh là ngày xưa), để một chiếc xe máy ngoài đường tới sáng vẫn còn nguyên. Tối ngủ không cần đóng cửa. Bây giờ thì còn phụ thuộc vào hên xui của khổ chủ, giờ dân khắp nên đến không biết đâu mà lần?
- Người Đà Lạt xây nhà, cho dù nhà có nhỏ cũng ráng chừa 1 khoảng làm sân, trong sân trang trí đầy cây cảnh và hoa các kiểu. Nhà nào sân nhỏ thì lan can hay trồng hoa tận hàng rào, nói chung là chỗ nào tận dụng được đều đem hoa lá trang trí hết. Ngay cả quán cafe nhỏ cũng đang cố gắng trồng thật nhiều hoa.


- Chỗ tập thể dục phổ biến nhất của người Đà Lạt chính là bờ hồ Xuân Hương (nhắc lại là đây là cái hồ, tên Xuân Hương).
- Người Đà Lạt ra đường lúc nào cũng có áo khoác, phổ biến nhất là áo len. Lạnh nóng gì cũng phải có áo khoác, riết thành thói quen mỗi khi đi đâu cũng mặc áo khoác.
- Người Đà Lạt có kiểu điệu điệu là đi đâu ra chợ hay phố cũng phải ăn mặc tươm tất một chút (ráng vào mang cái quần dài, đội cái nón, mang đôi dép sạch...) vì mọi người cho rằng ra đường nên lịch sự chứ không thôi...kì?
- Tết ở Đà Lạt hay có hội chợ, trong đó lô tô Thịnh, lô tô Duy thì hầu như ai cũng biết. Các anh chị 3D tứ xứ dạt về Đà Lạt hát lô tô 10 ngày đầu xuân vui khủng khiếp. 
- Còn nữa người Đà Lạt không giống mấy phim hàn quốc mà mấy bạn hay xem đâu nhé...Không quấn khăn, nón len như thế đâu, nhìn xến lắm. Nếu mà thấy ngoài đường thì chắc chắn là khách du lịch rồi.

Trên đây là một vài đặc điểm mà Ad nhận thấy được ở người Đà Lạt chính gốc. Còn gì nữa không hỡi người Đà Lạt? 

Lê Huy Cầm - Thông Tin Đà Lạt