Quảng cáo trong nội dung văn bản

Đà Lạt hiền hòa một thời ai cũng nhớ - Kỳ cuối: Vẻ thơ mộng còn đâu?

Là người có gần 80 năm gắn bó với Đà Lạt, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NS) Đặng Văn Thông (86 tuổi), chứng kiến sự thay đổi của cảnh quan thiên nhiên và lối sống của người Đà Lạt xưa và nay.

Cụ Đặng Văn Thông cho biết, quê ông ở Nam Định, năm 1939 khi lên 8 tuổi ông theo gia đình vào Đà Lạt sinh sống và gắn bó với Đà Lạt từ đó đến nay.

Hồ Mê Linh Đà Lạt do cụ Thông chụp 1948
Đà Lạt ngày đó là miền sơn cước hoang sơ, mây núi trập trùng. Khi tròn 17 tuổi, ông bắt đầu cầm máy ảnh rong ruổi khắp nơi ghi lại những cảnh đẹp của núi đồi thơ mộng, những rặng thông, hồ nước, thác nước hoang sơ của Đà Lạt…

Bài liên quan:

Nay có dịp quay lại hồ Mê Linh, khu vực Nam Hồ, thác Cam Ly, chợ Đà Lạt… nhà nhiếp ảnh không giấu được những trăn trở khi chứng kiến cảnh quan, môi trường đang thay đổi quá 'ngạc nhiên'.

Cụ Thông nghẹn ngào: “Đứng ở cây số 6 (Nam Hồ) thay cho những rặng thông cao vút, những mỏm núi xanh trập trùng ngày nào là những dãy nhà kính trắng xóa kéo dài đến gần chân núi Lang Biang. Mất hết rồi!”.

Cũng theo cụ Thông, thác nước Cam Ly đi vào huyền thoại một thời nay đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Còn hồ Xuân Hương - trái tim của Đà Lạt sau mỗi trận mưa lớn trở thành “cái túi” chứa rác thải nông nghiệp chảy từ các vùng trồng rau Thái Phiên, Đa Thiện trôi về cùng bùn đất đỏ ngòm…

Cụ Đặng Văn Thông
Dù tuổi cao nhưng hàng ngày cụ Thông vẫn xem truyền hình, đọc sách báo… Cụ cảm thấy buồn khi báo chí đưa tin cảnh quan thiên nhiên Đà Lạt bị biến dạng và cách cư xử của con người Đà Lạt cũng biến thái.

Cụ Thông chia sẻ: “Tiểu thương chợ Đà Lạt ngày xưa hiền hòa thanh lịch lắm, đi bán hàng họ luôn bận áo dài, mời chào nhỏ nhẹ, thanh lịch, họ bán hàng đúng giá; không có kiểu “chặt, chém”, lừa đảo khách hàng như những chuyện xảy ra ở Chợ đêm Đà Lạt, hay như chuyện tính tiền du khách trong thời gian qua”.

Cụ Thông nói “Cư xử với nhau kiểu như thế là thiếu tình người, thiếu đạo đức”.

Khu Hòa Bình Đà Lạt năm 1952
Theo cụ Thông, Đà Lạt quy tụ người dân tứ xứ đến sống và làm việc. Ngày xưa họ làm việc cho người Pháp, sinh hoạt với người Pháp tại các công trường, công sở, nhà hàng, khách sạn,.. nên được hấp thụ lối sống văn minh, lịch sự.

Chợ Đà Lạt xưa
Từ đó, đã tác động không nhỏ đến lối sống của cộng đồng người Việt ở Đà Lạt. Người Đà Lạt xưa sống rất thân tình và chân thật với nhau.



Khi đến các cửa tiệm mua sắm, ăn uống không có chuyện lừa đảo, “chặt, chém”. Ngày nay do môi trường sống bị thay đổi, thành phố trên đà phát triển, dân số Đà Lạt ngày càng đông, tính cạnh tranh trong kinh doanh, mua bán cũng tăng… nên đã đánh mất tính cách hiền hòa, thanh lịch vốn có của người Đà Lạt.

Lâm Viên (Báo Thanh Niên)