Quảng cáo trong nội dung văn bản

Một Cảm Nhận Về Du Lịch Đà Lạt

Thế là sau một năm miệt mài với công việc , Chúng tôi cũng đã có được một kỳ nghỉ mát thật thú vị ở xứ sở ngàn hoa , Đà Lạt.


Ngày đầu tiên chúng tôi từ Tiền Giang có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 7h40 và bay chuyến bay lúc 8h30, đến 9h chúng tôi có mặt tại sân bay Liên Khương- Lâm Đồng.

Từ lâu, Đà Lạt đã được biết đến như là xứ sở của ngàn hoa. Vườn hoa thành phố Đà Lạt là nơi hội tụ của trăm ngàn loài hoa kiều diễm..

Nằm ở cuối hồ Xuân Hương, bên cạnh đồi Cù thơ mộng, cách trung tâm thành phố 2km. Ngày xưa, đã từng được nhắc đến với tên gọi vườn hoa Bích Câu, từ năm 1986 đã được nâng cấp lên thành công viên hoa Thành phố Đà Lạt. Công viên nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan, thuộc phường 1, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Đoàn chúng tôi chuyến đi này toàn những nhân vật chủ chốt của công ty , Từ phải sang đứng thứ 2 là chị Tổng Giám Đốc của chúng tôi. Từ trái người thứ 1 trở qua tới người thứ 7 là sáu GĐ xí nghệp và một GĐ trung tâm thời trang. Còn lại là các trưởng phòng ( Công ty của mình TGĐ là nữ và toàn bộ các GĐ xí nghiệp đều là nữ cả). Thế mới biết thời buổi hiện đại này phụ nữ ra ngoài xã hội chiếm vị trí quan trọng không phải là hiếm.

Cách đây hơn một thế kỷ, người Pháp lấy Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng, rồi vua Bảo Đại chọn vùng đất này để xây dinh thự, đến Mỹ và thời Việt Nam cộng hòa cũng xây dựng các khu biệt thự để nghỉ ở đây...Dường như mục tiêu: “nhà trong núi, phố trong rừng” được gìn giữ trong cả quy hoạch đường phố và các công trình xây dựng như khu vực Dinh I, Dinh II, Dinh III, đường Trần Hưng Đạo, đường đi Trại Mát, đường vào khu biệt thự Lê Lai...Đi trên đường phố, ngắm những ngôi biệt thự thấp thoáng sau hàng thông, điểm tô thêm trên ban công là những giò phong lan, những chậu hoa đang tưng bừng khoe sắc...đều toát lên sự trang trọng và kiêu hãnh ngay cả khi chúng chưa có nguồn lực khai thác...

Trước đây nhà thờ là tu viện chính của dòng tu nữ tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn (từ năm 1940 -1943). Sau năm 1975 ngoài nhà nguyện và hai dãy tu viện, các cơ sở khác đã được sử dụng cho các mục đích công ích. Ở đây sơ đã nuôi rất nhiều trẻ em mồ côi và dạy nghề cho các em như dệt, thêu, vẽ tranh, v.v..để các em trở thành những người có ích cho xã hội.

Phía sau nhà thờ là phần mộ của bà Decoux, để hoàn thành tâm nguyện của Bà và để ghi nhớ công ơn của Bà, người có công chính trong việc giúp xây dựng Nhà thờ. Bà đã bị tai nạn trong một chuyến đi từ Sài Gòn ra Đà Lạt để giải quyết mâu thuẫn giữa Nam Phương Hoàng Hậu và thứ phi Mộng Điệp, Bà đã bị tai nạn tại đèo Prenn, sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng nhưng vì vết thương quá nặng nên Bà Đã qua đời tại đó (năm 1944). Từ khi hoàn thành cho đến nay nhà thờ chỉ dùng vôi màu hồng đậm để quét tường.

Hồ Xuân Hương là một hồ đẹp nằm giữa trung tâm thành phố Đà Lạt. Xung quanh hồ có rừng thông và các bãi cỏ, vườn hoa. Đây là địa điểm du khách ưa thích đi dạo bộ hoặc xe ngựa khi đến tham quan thành phố Đà Lạt. Hồ Xuân Hương là hồ nhân tạo, có chu vi chừng 5 km. Hồ có hình trăng lưỡi liềm kéo dài gần 7 km đi qua nhiều địa danh du lịch của thành phố Đà Lạt .Xuất xứ tên gọi Hồ Xuân Hương là vì hồ vào mùa xuân có mùi thơm của cây cỏ xung quanh hồ hòa quyện nên một mùi hương thoang thoảng nên gọi là Hồ Xuân Hương

Hồ là con tim của thành phố Đà Lạt và là một trong những thành phố hiếm hoi có hồ nằm ngay trung tâm. Hồ là địa danh nổi tiếng và còn là địa điểm tham quan du lịch khá hấp dẫn tạo nên nét đặc sắc cho Đà Lạt. Cũng chính vì thế nên Hàn Mặc Tử đã viết về hồ Xuân Hương - một viên ngọc xanh giữa lòng thành phố Đà Lạt.

Ai hãy lặng thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới nước đáy hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để nghe trời giải nghĩa yêu

Đà Lạt càng về đêm trời càng lạnh, sương giăng lãng đãng, cái lạnh phố núi khiến lòng người cảm thấy cô đơn. Có lẽ lúc này, không gì bằng thú vị bằng tản bộ ở khu chợ Âm Phủ và khám phá ẩm thực Đà Lạt về đêm. 

Chợ Âm Phủ xuất hiện từ lâu lắm rồi, thưở đèn đường còn chưa có, những người bán đồ ăn khuya tụ tập ở dọc cầu thang từ khu Hòa Bình xuống chợ Đà Lạt, mỗi gánh hàng rong chỉ có một chiếc đèn nhỏ thắp bằng dầu lửa. Có lẽ giữa màn sương mờ ảo, ánh đèn lập lòe đã khiến mọi người nghĩ ra cái tên chợ Âm Phủ. 

Đồ ăn đêm ở Đà Lạt phong phú không kém bất kỳ một thành phố lớn nào ở Việt Nam. Vì là xứ lạnh, đồ ăn ở đây phải nóng mới ngon. Mà cũng có lẽ vì là xứ lạnh nên đồ ăn ở Đà Lạt khá cay, từ món bánh trứng chiên bột cho đến phở, hủ tiếu… Bánh trứng chiên bột được chiên vàng rộm, giòn tan, điểm thêm màu xanh của hành lá và màu đỏ của tương ớt trông thật hấp dẫn. Món bánh này khá giống bánh xèo Nam bộ nhưng bạn có thể cầm theo để ăn, không phải ngồi tại chỗ. Đà Lạt cũng nổi tiếng với món bánh mỳ xíu mại, nước sốt cay nồng hòa lẫn vị của rau thơm tươi rói tạo ra một hương vị rất riêng cho bánh mỳ phố núi, một món ăn ở đâu cũng có nhưng không nơi nào có được mùi vị đặc biệt như ở đây. 

Các món nướng cũng là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của Đà Lạt. Hương thơm của khoai nướng, bắp nướng phết mỡ hành hay thịt nướng có một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại. Vừa gặm một củ khoai nướng hay bắp nướng, vừa lững thững dạo quanh chợ đêm là một thú vui của bất kỳ một du khách nào khi đến Đà Lạt

Chẳng biết không khí Đà Lạt đã làm cho các món ăn đêm thêm phần đặc biệt hay chính những món ăn đã tạo nên một Đà Lạt về đêm thật khác lạ? Nhưng dẫu sao đi nữa, khi đã đến Đà Lạt, ta không thể không dạo quanh thành phố về đêm và khám phá ẩm thực phố núi, khi ấy, mình mới cảm nhận được một Đà Lạt quyến rũ với những dư vị không thể nào quên. 

Có người nói rằng: Đồi Mộng Mơ là Đà Lạt thu nhỏ, Tây Nguyên thu nhỏ điều đó quả thực không sai.

So với nhiều danh thắng có tên tuổi khác của xứ sở sương mù như hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, dinh Bảo Đại, núi Lang BiAng thì khu du lịch (KDL) đồi Mộng Mơ không nổi tiếng bằng nhưng hiện đang là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất, thu hút khách nhất của thành phố du lịch Đà Lạt. Đây là khu du lịch khép kín với những ngôi biệt thự vườn, nghệ thuật đá chen hoa, hồ nước, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, khu bán đồ lưu niệm … Đó là nét nỗi bật rất riêng của Đồi Mộng Mơ, một địa điểm du lịch độc đáo của Thành phố Đà Lạt.

Trên một diện tích khiêm tốn, nơi đây cũng có đầy đủ hoa, cỏ xanh mướt bốn mùa, nhiều giống hoa mới, màu sắc rực rỡ được chăm sóc tốt, thiết kế đẹp tạo cảm tình cho khách ngay từ ban đầu. Đến đây du khách có dịp thưởng thức những kiến trúc nhân tạo được kết hợp hài hòa với cảnh quan thiên nhiên từ tiểu vạn lý trường thành

Vắt ngang qua 2 km đồi núi đến căn nhà cổ hơn 300 năm được dựng từ nguyên bản nhà rường ở Bình Định đưa bước chân chúng tôi đến với những hoài niệm của quá khứ ngàn xưa, cùng với chiếc bàn cổ trăm năm chúng ta có thể dung nguồn diện từ cơ thể cũng như ý niệm của mình để khiến nó xoay chuyển thoe ý muốn, rất độc đáo , từ vườn đá cảnh thiên nhiên đầy đủ sắc màu đến những kỳ hoa dị thảo rực rỡ khoe sắc tỏa hương trong những khu vườn chung quanh Đồi Mộng Mơ giúp cho du khách có những cảm giác mới lạ và thư thái. Nhưng điều làm nên sức thu hút lại chính là sân khấu cồng chiêng, và Làng Văn hoá dân tộc.

Ghé thăm thiền viện Trúc Lâm

Nằm cạnh Hồ Tuyền Lâm, cách Đà Lạt hơn 5 km, thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt là thiền viện lớn nhất cả nước, được xây dựng theo lối kiến trúc hài hòa giữa kim và cổ, thanh thoát nhưng vô cùng tôn nghiêm.

Một cảm nhận về du lịch Đà Lạt

Không chỉ là nơi tu học của nhiều sư tăng hay nơi nghiên cứu về thiền của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, nơi đây còn thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan và chiêm bái.

Đến Trúc Lâm Thiền Viện, ta còn được chiêm ngưỡng những bức tượng Phật được chế tác công phu. Đây là tượng phật ngọc. Thêm vào đó, không gian oai nghiêm của cõi Phật cũng như không khí trong lành của vùng cao nguyên sẽ mang đến cho bạn cảm giác thư thái, dễ chịu. Sau đó chúng tôi lại tới thác Đatanla , một thác nước hùng vĩ cao 32m với cảnh quang thiên nhiên còn hoang sơ. Và vực tử thần nằm dưới chân thác.

Đatanla hay Datanla là một ngọn thác lớn nằm trong khu du lịch Đatanla – cách thác Prenn 8 km và thành phố Đà Lạt 10 km và là điểm tham quan, phiêu lưu mạo hiểm. Đatanla hay Đatania do các từ K'Ho ghép lại: "Đà-Tàm-N'ha" có nghĩa là "nước dưới lá" liên hệ đến cuộc chiến tranh Chăm – Lạch - Chil thế kỷ XV - XVII.

Có truyền thuyết kể lại rằng, vào thời Pôreme, người Chăm từ Panduranga ( Phan Rang) thường kéo lên tấn công người Lạt, người Chil ở cao nguyên Lang Biang để giành đất và bắt nô lệ. Trong lúc Người Lạch sắp thua vì thiếu “cái nước” thì tình cờ họ phát hiện ra dòng thác này và có nước uống, nên người Lạt đã chiến thắng và bảo vệ được buôn làng. Còn người Chăm thua vì họ không biết “dưới lá có nước”. Từ đó bà con bộ tộc Lạt đặt tên là “Đạ Tam Nnha” (dưới lá có nước) để nhắn nhủ với con cháu sau này.”

Tối chúng tôi lại đi chợ đêm Đà Lạt, nhộn nhịp và đặc trưng, và không khó để chọn những món quà ưng ý về tặng gia đình, bè bạn. Một điểm đặc biệt nửa của đêm Đà Lạt là những chiếc xe đạp đôi được những đôi tình nhân đèo nhau thật lãng mạn. Rất Đà Lạt.

Tôi và mấy người bạn đến một quán café nằm trên đường Pasteur, café An Tiến có lối kiến trúc và phong cách rất Nhật Bản. Một không gian yên tĩnh . Kem ở đây cũng rất ngon. 

Sáng hôm sau đoàn chúng tôi rời khỏi thành phố ngàn hoa đầy thơ mộng với sự tiếc nuối, vì vẫn chưa khám phá hết những nét đẹp nơi đây. Dù tôi đã đến lần thứ 2 nhưng vẫn mong đến nữa. Có một điều gieo vào lòng tôi nổi bâng khuâng khó tả, đó là Đà Lạt được mệnh danh là xứ sở bốn không : không đèn đỏ, không máy lạnh , không bằng phẳng và không xích lô. Tôi e rằng sau này cái không máy lạnh sẽ bị mất đi. Vì trời Đà Lạt không còn cái không khí lạnh như lúc trước, vì những ngôi nhà cao tầng mọc lên dày đặc đã làm cho cái nguyên sơ phần nào mất đi, không khí nóng dần lên. Nếu như điều này xảy ra thì thật đáng tiếc.

Sân bay Liên Khương trước mặt, chúng tôi lên máy bay vào lúc 10h30 kết thúc chuyến đi đầy thú vị nhưng không ít tiếc nuối, trong lòng ai cũng có những cảm giác khó quên. Đà Lạt ơi, nhất định sẽ quay trở lại…

Hoàng Anh Nguyễn