Quảng cáo trong nội dung văn bản

Cảm nhận về Đà Lạt của một sinh viên như tôi

Cảm giác đầu tiên của ai đến Đà Lạt thường là sự nhẹ nhõm. Nó bắt đầu từ sau khi qua đèo Bảo Lộc. Từng có những người bạn tôi dang tay ra một cách sung sướng: Ôi, nhẹ nhõm!



» Đà Lạt: Sống như ‘đám dở hơi’, bỏ thành thị đi 'nghỉ hưu non'
» Ngay cả khi không có rừng thông, tớ vẫn kiên trì yêu Đà Lạt...
» Đà Lạt, tôi, và những kí ức trẻ thơ không thể nào quên

Đó chính là cảm giác chính xác nhất cho những trải nghiệm ở Đà Lạt này. Không khí trong veo, sự yên ắng, cái lạnh, tiếng nói nhẹ nhàng, những con đường lượn vòng vèo quanh các chân dốc, độ cao rải rác phố nhỏ nằm vắt vẻo giữa trời … là một cảm giác không bao giờ quên được, nhất là với du khách. Chính nó là cảm giác chủ đạo cho người ta không cần biết đến những thứ gì thuộc về bon chen đời thường như ở Tp. Hồ Chí Minh. Đến, nghỉ, thoải mái rồi … về.

Đà Lạt nằm trong giọt kí ức nguyên lành như một phần thưởng của những cư dân vùng khác. Thời gian đầu của tôi cũng như thế. Khi tôi nằm trong lòng Đà Lạt với cuộc sống đời thường thì sự trở lại Sài Gòn gây cho tôi nhiều cảm xúc khác.


Ở đó, tôi trở lại không phải với nhịp ngựa xe đường phố ồn ào rôi rối mà tôi có dịp nhìn rõ hơn, kỹ hơn cái cảm giác “Vì sao” của người Sài Gòn. Ấy là cảm giác của một giờ hẹn đang đến mà đèn xanh đỏ chỉ bắt đầu ở chỉ số 50 giây. Người ta thường có phản ứng đếm ngược để đến giây thứ 3 thì chuẩn bị tư thế và đèn xanh bật lên, xe sẵn sàng cho bạn phóng đến ngã tư thứ hai, lại đếm, lại chờ và lại nhìn đồng hồ … Cứ thế, cái hẹn đưa bạn đi chứ không phải con đường giải quyết việc đó.


Mỗi sáng bạn phải tính nhanh lộ trình của mình khi đến trường mà con đường đi hằng ngày đang có sự cố kẹt xe. Cái nhìn đồng hồ luôn nhấp nháy giờ giấc trên tay bạn. Ở đó, ngoài những kế hoạch làm việc, cuộc hẹn, tiệc tùng, cà phê hay thậm chí đi nhậu … tất cả được đưa vào từ sớm và một trong những khả năng phải xem lại, ấy là sự “trở cờ” cần thiết cho các sự cố về kẹt xe, về lỡ hẹn, về những thử thách phố xá bên ngoài mà bạn không là chủ được.


Bạn phải tính, phải tính, phải nhảy nhổm lên khi ở ngoài đường. Bạn phải bình tĩnh, khoa học trong công việc vì cái chính là cuộc đua ngoài phố đã rớt vào ghế ngồi của bạn. Chủ động không có nghĩa là chính trong con người bạn mà cái bên ngoài nó thúc đẩy bạn từ mỗi sáng ở nhà, từ trên đường phố đến chỗ làm và luôn luôn là như thế cho đến khi kết thúc một ngày. Cái gọi là “động lực” nằm một phần ở khía cạnh này. Cái mà tôi luôn cảm thấy như một thách thức của mình khi trở thành một công dân Đà Lạt.


Cuộc sống nhẹ nhàng, đường đi nước bước, mọi thứ dễ dàng hơn. Tôi quen dần với thời gian của cái lạnh, con phố yên lặng, và những giấc ngủ có thể đến sớm hơn và dậy trễ hơn … Những khi như thế, tôi lại nhớ đến lời nói của một người bạn, cũng là người dân xứ này, như một lời cảnh báo khi tôi mới lên phố núi: “Ngày nào tôi cũng phải tự nắm tóc mình kéo lên, kéo mình dậy thật sớm. Tôi sợ, mình sẽ bị cuốn vào cái nhịp điệu êm đềm và dễ chịu của phố núi, rồi một ngày nào đó mình sẽ sống chậm đi, sẽ dễ dãi và chấp nhận đứng lại khi mọi thứ đang dần lướt qua đi …”.


Ừ thì, đó là vài cảm giác rất riêng tư về “động lực cuộc sống”. Tôi đang đến và chia sẻ với nơi này, cũng có nghĩa là hàng ngày tôi cũng tự phải nắm tóc mình, dựng đầu dậy như cái cách mà bạn tôi đã nói. Tôi cũng phải cố gắng như thế, vì chính tôi cũng sợ, mình sẽ ở lại – khi mọi thứ, trong đó còn có những cơ hội dành cho tôi đang trôi qua.

Huỳnh Thị Ngọc Linh - Thông Tin Đà Lạt