Quảng cáo trong nội dung văn bản

'Cò đặc sản' lộng hành và nỗi thất vọng của khách đến Đà Lạt

Mời chào du khách đi hái dâu vườn giá 20.000 đồng, cò du lịch ngang nhiên bán khách cho quầy đặc sản rồi ép mua hàng với giá đắt đỏ.

"Cò đặc sản" chèo kéo du khách đi hái dâu vườn giá 20.000 đồng một ký. Ảnh: Khương Văn.


Trở về sau 2 ngày nghỉ cuối tuần ở Đà Lạt, chị Hồng Ngọc (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết đáng lẽ cả gia đình đã có chuyến đi chơi vui vẻ nếu không vướng phải "cò đặc sản".

20.000 đồng một ký dâu vườn

“Cả nhà đi ngang khu vườn hoa thành phố Đà Lạt thì một thanh niên chạy xe máy rà theo mời đi vườn dâu. Người này đeo bám đoạn đường dài với lời mời đi tham quan, hái dâu tại vườn”, chị Ngọc kể lại.

Họ giới thiệu đây là vườn dâu nhà trồng, mới mở cửa nên giá chỉ 20.000 đồng một ký. Khách thích thì mua, không thì tham quan chụp hình miễn phí. Chèo kéo một đoạn dài, người này rút trong túi tấm danh thiếp của nhà vườn để thêm phần uy tín. Trên bưu thiếp có đầy đủ tên, số điện thoại và địa chỉ của vườn dâu.

“Lúc đầu nhà mình không định đi, nhưng được nhiều người mời chào với giá 20.000 đồng một ký dâu vườn nên nghĩ đây là giá chung và quyết định đi cho biết", theo chị Ngọc.

Dẫn đường khoảng 500 m, người đàn ông tấp vào một quán bán đặc sản trên đường Nguyên Tử Lực rồi ra hiệu cho khách dừng lại. Khi khách vừa xuống xe thì người này cũng quay đầu xe phóng đi. Anh ta chỉ tay nói người trong quán sẽ dẫn đi vườn dâu.

“Cầm tấm danh thiếp trên tay còn chưa rõ ngọn ngành thì mình được nhân viên cửa hàng mời vào trong nghỉ ngơi, sau đó sẽ dẫn đi hái dâu”. Đến lúc này, chị Ngọc vẫn chưa biết mình vừa bị "cò" bán lại cho cửa hàng đặc sản.

Đặc sản Đà Lạt giá trên trời

Theo chị Ngọc, trên cùng một đoạn đường ngắn có đến hàng chục cửa hàng bày bán đặc sản trên các kệ gỗ đơn giản. Các mặt hàng chủ yếu là mứt, trà Atiso và các loại nước ép.

Trong lúc chờ, du khách được mời uống nước, ăn thử các đặc sản. Sau đó nhân viên cửa hàng bắt đầu giới thiệu và tư vấn về các mặt hàng. Mứt, kẹo ở đây đều được đóng gói, dán mác và ghi hạn sử dụng đầy đủ. Mỗi loại phân ra làm nhiều gói to nhỏ với giá tiền khác nhau.

“Mà đặc sản ở đây đâu rẻ, cùng một gói trà Atiso mà họ bán 250.000 đồng trong khi giá trung bình chỉ khoảng 80.000 đồng. Các loại mứt cũng cả trăm nghìn một gói nhỏ", chị Ngọc cho biết.

Hộp mứt nhỏ nhất cũng có giá gầm trăm nghìn đồng. Ảnh: Khương Văn.

Lý giải về giá chênh lệch, nhân viên cửa hàng nói đây là hàng cao cấp, đảm bảo chất lượng chứ không phải hàng trôi nổi như ngoài chợ. Để khách hàng an tâm, họ còn cam kết rằng hàng tháng đều có ban quản lý của thành phố đến kiểm tra chất lượng và giá niêm yết.

Khi khách từ chối mua đặc sản và muốn đi vườn dâu, nhân viên cửa hàng tiếp tục chèo kéo và khẳng định: “Nếu không mua đặc sản sẽ không được vào vườn dâu". Người này phân trần, các vườn dâu ở đây đều không bán vé vào cổng. Nhiều người đến tham quan nhưng không mua dâu. Các chủ vườn phải liên kết với quầy đặc sản để bù lại. “Khách muốn xuống vườn dâu phải mua ít nhất một đặc sản, không có sẽ không được vào”, nhân viên cửa hàng khẳng định.

Sau khi chờ quá lâu mà không được dẫn ra vườn, chị Ngọc đành mua hộp mứt nhỏ với giá 95.000 đồng. Cùng lúc đó cũng có 3-4 nhóm người chờ được dẫn đi hái dâu giá rẻ. Có người mua nhiều, người buộc lấy một món nhỏ để đi cho được việc.

Khi yêu cầu dẫn đi vườn dâu, chị Ngọc được nhân viên cửa hàng chỉ đường đến một địa chỉ gần đó. Mặc dù mua phải giá đắt, nhiều khách hàng vẫn vui vẻ đi theo lời chỉ dẫn vì sắp được tham quan, hái dâu giá hời.

Nỗi thất vọng của du khách

Đi khoảng 100 m theo chỉ dẫn của nhân viên cửa hàng, gia đình chị Ngọc đến được vườn dâu đúng với địa chỉ in trên tấm danh thiếp mà người dẫn đường đầu tiên đưa cho.

Cả vườn dâu chừng 200 mét vuông lác đác vài du khách tham quan. Chủ vườn khẳng định là người nhà với quán đặc sản nhưng không bắt khách phải mua vé tham quan hay mua đặc sản gì.

“Tham quan miễn phí, dâu hái tại vườn 150.000 đồng mỗi ký, to nhỏ tuỳ thích". Dâu 20.000 đồng một ký là trồng trong sâu, bán với số lượng lớn chứ không bán cho khách lẻ, không cho tham quan.

Chủ vườn dâu giải thích có dâu 20.000 đồng một ký nhưng dâu đấy phun thuốc tăng trưởng, không ăn ngay được. Còn dâu vườn nhà trồng là giống New Zealand, không phun thuốc kích thích nên quả bé, không to và mọng như dâu bán ngoài chợ. “Khách mua thì tự tay ra vườn chọn, không mua cũng không ép”.

Dâu hái tại vườn giá 150.000 đồng một ký chứ không phải 20.000 đồng như lời mời của "cò". Ảnh: Khương Văn.



Sau một hồi tham quan, gia đình chị Ngọc quyết định không mua vì dâu ở đây chỉ bé tầm ngón tay, ít quả chín và không ngon. Vào thử các vườn dâu quanh đó, chị Ngọc cũng không mua được loại dâu như ý và ra về trong thất vọng.

Quay lại trung tâm thành phố để mùa dâu làm quà, chị Ngọc được biết các vườn dâu miễn phí vé tham quan chủ yếu là vườn đã thu hoạch xong. Cả thành phố chỉ có vài vườn dâu phục vụ khách tham quan nhưng giá 300.000-400.000 đồng một ký chứ không phải vài chục nghìn như "cò đặc sản" giới thiệu.

“Đặc sản thì mình mua rồi cũng không đòi lại được. Dâu không mua được thì thôi, coi như đi cho biết. Chỉ hơi buồn vì mình có cảm giác bị lừa, mất tiền, mất thời gian. Đây cũng là bài học cho mình, đúng là của rẻ là của ôi", chị Ngọc thất vọng.

Cơ quan chức năng TP Đà Lạt xác định có 4 loại “cò" gồm: Nhân viên cơ sở kinh doanh trực tiếp làm môi giới. "Cò" tự do đón khách dẫn vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ (có thỏa thuận trước để hưởng tiền hoa hồng). "Cò" bảo kê ép cơ sở kinh doanh phải chi tiền môi giới khi đưa khách vào. Cuối cùng là lái xe, hướng dẫn viên đưa khách đến cơ sở kinh doanh để hưởng tiền hoa hồng. "Cò đặc sản" hoạt động nhiều năm ở Đà Lạt, dù cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý nhiều lần song vẫn tái diễn.

Theo VnExpress