Quảng cáo trong nội dung văn bản

Đà Lạt phân 4 loại 'cò mứt' để xử lý tận gốc

Một 'cò' đang bám theo xe khách du lịch
Nhằm xử lý hoạt động "cò" trên địa bàn, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vừa xác định hoạt động của 4 loại “cò” đặc sản tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau đã và đang đe dọa hình ảnh du lịch của thành phố ngàn hoa.
Thành phố Đà Lạt vừa thực hiện việc qua phân loại hoạt động "cò" đặc sản hoạt động tại thành phố này. Quá trình phân loại đã xác định 4 hình thức hoạt động của "cò đặc sản" gồm:

- Nhân viên của cơ sở kinh doanh trực tiếp làm "cò";

- "Cò" tự do đón khách dẫn vào cơ sở kinh doanh dịch vụ (có thỏa thuận trước) để hưởng tiền "cò";

- "Cò" bảo kê ép cơ sở kinh doanh phải chi tiền "cò" khi đưa khách vào;

- Lái xe, hướng dẫn viên đưa khách đến cơ sở kinh doanh để hưởng tiền môi giới, lái xe taxi trong thành phố đưa khách tới cơ sở kinh doanh hưởng tiền môi giới.

'Cò' đảo lại khi phát hiện con 'mối'
Ông Võ Ngọc Trình, phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết thời gian qua có nhiều trường hợp “cò” gây rối đánh du khách, đánh tài xế xe du lịch, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên bảo vệ các khu du lịch gây ảnh hưởng xấu đến du lịch Đà Lạt.

Trong thời gian, TP tới sẽ tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý quyết liệt không để tái diễn các hoạt động kinh doanh, tiếp thị, môi giới... vi phạm pháp luật.

'Cò' ngang nhiên tiếp cận xe khách trên đường phố
Đặc biệt, tập trung điều tra, không để xảy ra tình trạng hình thành các tổ chức, băng nhóm đường dây tiếp thị, môi giới và xử lý triệt để tình trạng sử dụng lao động đi tiếp thị dạng "cò".

Ngoài ra, UBND TP Đà Lạt cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về đăng ký giá, niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết.

'Cò' đang thăm dò tình hình du khách
Theo tìm hiểu, "cò" thường hoạt động tại các địa điểm du lịch như: Thung lũng tình yêu, Chợ đêm Đà Lạt, khu du lịch thác Prenn, Vườn hoa thành phố...

Kịch bản của những vụ việc thường đơn giản, du khách từ phương xa đến, gặp “cò” mứt chèo kéo đi tham quan hái dâu tại vườn miễn phí hoặc với giá rẻ.

Ngờ đâu “cò” lại đưa thẳng đến lò mứt, đặc sản Đà Lạt và buộc phải mua mứt mới được tham quan, hái dâu tại vườn.

Khách bấm bụng mua để được đưa đi vườn hái dâu hoặc mua với giá dễ chịu. Nhưng rồi khách được đưa đến vườn dâu chỉ lèo tèo vài quả và giá bán tại vườn cũng chẳng hề rẻ như lời chào mời.

Sẵn cơn bực tức vì năm lần bảy lượt bị lừa, khách lớn tiếng phản ứng và hậu quả là bị đánh. Nhẹ thì trầy da, nặng thì nhập viện. Và sau mỗi lần du khách bị hành hung, du lịch Đà Lạt thêm một lần tổn thương nặng vì niềm tin khách phương xa với xứ sở được tiếng hiền hòa, mến khách vơi dần.

'Cò' làm việc cùng tài xế xe khách
Không chỉ du khách bị đánh, hướng dẫn viên và tài xế cũng gặp những phen khốn khổ chỉ vì không chở khách đến mua mứt tại các cơ sở mứt - đặc sản ở các tuyến đường Phù Đổng Thiên Vương, Mai Anh Đào, Nguyên Tử Lực và nhiều cung đường khác tại Đà Lạt mà “cò” đã chào mời trước.

Sau một số vụ việc, Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng "cò" đặc sản tại Đà Lạt.

Theo văn bản, sau khi báo chí phản ánh về tình trạng "cò" đặc sản lộng hành ở TP Đà Lạt, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng này, bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, an toàn cho người dân và du khách; khôi phục hình ảnh, uy tín, thương hiệu du lịch Đà Lạt.
LÂM THIÊN - VĂN BÌNH (Tuổi Trẻ) - Ảnh: Thông Tin Đà Lạt