Quảng cáo trong nội dung văn bản

Một Đà Lạt không hồn trong 'Tháng năm rực rỡ'

Trong suốt một thời gian dài, khán giả Việt Nam phải chịu một thiệt thòi vô cùng to lớn khi không được thỏa mãn đời sống tinh thần bằng những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Chính vì lẽ đó nên ngay khi “Tháng năm rực rỡ” ra mắt, bộ phim đã nhất loạt nhận được vô số lời tán tụng của truyền thông lẫn công chúng. Thế nhưng, những mỹ từ như “chỉn chu”, “tử tế”, “có đầu tư”, “đẹp”, “sạch sẽ” cũng chỉ vừa đủ để trở thành một phao cứu cánh, tránh cảnh so sánh ê chề giữa bản “Việt hóa” với 'Sunny' của Hàn Quốc. 

Cà phê Tùng thập niên 1970s tọa lạc ngay khu Hòa Bình Đà Lạt

Hãy cứ vui nốt hôm nay đi, vì rất khó lòng để biết một bộ phim như vậy sẽ còn đọng lại những gì trong lòng công chúng mai sau. Không thể tạo nên những rung cảm xao xuyến, cũng không gợi chút niềm trăn trở, chỉ là vì sản phẩm ấy đã trung thành với đường lối giải trí đơn thuần. Một thành quả lao động tiêu tốn nhiều công sức và tiền của nhưng tiếc thay, đã thiếu mất yếu tố sinh tử: sự vắng bóng một 'hồn phách'. Thiếu đi 'hồn phách', phim ảnh chỉ là sự phản bội đời sống.

Những 'mảnh vụn dễ dãi' ở chính bản gốc

Kịch bản không hề là điểm mạnh của 'Sunny' như truyền thông liên tục mớm vào tai khán giả. Sự xuất sắc của 'Sunny' mà rất nhiều nhà báo (lẫn bồi bút) buộc khán giả phải tin sẽ dễ dàng giết chết những ý kiến phản biện dù chính xác nhưng đơn độc, như cơn bão dễ dàng nhấn chìm một bè lau giữa mênh mông sóng biển. 

Với một chút suy xét kỹ càng, ta dễ dàng lượm lặt chỗ này chỗ kia những tình tiết buồn cười đến ngớ ngẩn. Thế nhưng, xem phim thì không nên lý trí quá cũng là một phản biện rất hợp lý. Vậy thì, hãy chọn một tâm thế vô tư. Chỉ tiếc thay, nếu bỏ hết lý trí, bộ phim chẳng còn lại gì, kể cả cảm xúc. Không cảm xúc, chính là vì Sunny không có đất cho nhân vật.

Không hề có nhân vật, đúng là như vậy, dù chuyện phim tập trung tới tận... 7 người phụ nữ từ lúc học phổ thông đến khi đã trưởng thành. 7 con người, 7 tính cách hoàn toàn khác biệt. Chỉ riêng “vai chính” đã có tất cả 14 diễn viên tham gia diễn xuất cho cả quá khứ lẫn hiện tại. Cái bẫy ở ngay chính điểm này. Làm sao 120 phút phim có thể dung nạp được chừng đó tính cách, chừng đó mâu thuẫn, chừng đó 'mạch nước nho nhỏ' len lén đi vào lòng khán giả? Thế nên để giải quyết bài toán khó này, tác giả buộc phải chấp nhận để cho mỗi Na-mi, Choon-hwa, Jin-hee,... trở thành một sự minh họa của nhân vật, chứ chưa thực sự là nhân vật.

Dàn diễn viên trong 'Tháng năm rực rỡ'

Nếu lời nói của họ là sự minh họa, thì hành động đã trở thành yếu tố phóng đại của tính cách. Để rồi số phận của mỗi người thể hiện rõ mồn một những ý đồ sắp đặt. Ví dụ, nhằm đẩy sự éo le của nhân vật đến đỉnh điểm, một tiểu thơ mơ làm hoa hậu (dễ đoán được) sẽ trở thành cave già, còn cô nhỏ mọt sách, trí thức nhất hội chị em thì lâm vào cảnh vật lộn với đời sống kim tiền,...


Với quá nhiều dụng công như thế, phim thật khó có được những khoảng lặng. Nhịp phim nhanh như rượt đuổi, thông tin chảy tràn liên tục. Diễn viên hết thoại thì lại nhảy múa, đánh đấm. Nếu cảnh phim thiếu kịch tính, nhạc phải trỗi lên. Khi tách riêng từng thành tố (mỗi bài hát, mỗi cảnh dựng,...) khán giả phải thán phục bởi những đầu tư lắm công phu. Thế nhưng xét trên tổng thể, đó chỉ là những phương tiện tạm bợ, vì chẳng thể phục vụ được cho nhân vật, chẳng thể giúp khán giả đến gần hơn đời sống nội tâm của họ để cùng trải nghiệm và hóa giải đau đớn hay hạnh phúc.

Không có niềm đau tận cùng, cũng không có bất kỳ vui sướng thực sự. Vậy nên nước mắt, nụ cười cũng chỉ là hoạt động sinh lý. Xét cho cùng, nếu 'Sunny' vẫn có đất sống ở Hàn Quốc thì đó là lựa chọn của người dân xứ sở kim chi, những đánh giá này chỉ là góc nhìn của một khán giả từ nền điện ảnh non trẻ muốn học hỏi một anh lớn. Chỉ lạ rằng, nếu cần những công thức như niềm vui 'twist' thành nỗi sầu, và rầu rĩ 'twist' thành hân hoan, e rằng cứ tra từ khóa “Quảng cáo bảo hiểm Thái Lan xúc động rớt nước mắt” trên youtube cũng đủ để cho ra hàng tá lâm ly bi đát tương tự.

Những điều đẹp đẽ bị bóp nghẹt

Dựa trên nền tảng của 'Sunny', 'Tháng năm rực rỡ' chỉ mới tiếp tục dừng lại ở việc khuấy động lớp bọt nổi trên mặt hồ. Tất cả những điều đó, may chăng, được cứu vớt phần nào bởi tính địa phương của kịch bản. Diễn viên, bối cảnh xã hội, phong cảnh,... đều đã thân thuộc với khán giả như khí trời. Chỉ tiếc rằng chừng ấy phương tiện cũng chỉ được khai thác hết sức qua quýt, thế nên 'Tháng năm rực rỡ' mới là bản 'copy' của 'Sunny' chứ chưa thể trở thành một câu chuyện Việt Nam, hay thậm chí là chuyện về những đô thị miền Nam như Đà Lạt, Sài Gòn.

Nữ sinh Trường Bùi thị Xuân - Đà Lạt với áo dài trắng, áo len xanh và nón lá thập niên 1970s

Nhiều khán giả tự hỏi hồn phách Đà Lạt, Sài Gòn đâu rồi? 

Vì nếu không có những bản sắc văn hóa đó, cộng thêm sự thua kém về tiền của và kỹ thuật, chúng ta cần gì phải xem lại bản 'remake' từ một bộ phim nước ngoài vốn còn nhiều vụng về.

Vì nếu không có những chắt lọc tinh túy để phơi bày trước mắt công chúng, bộ phim chỉ là sự lừa dối chính mình, phản bội cuộc đời, để ngụy tạo ra một thế giới dễ dãi, vừa xa lánh vừa hủy hoại hiện thực.

Và hơn hết, chúng ta biết sợ mối nguy đồng hóa, cào bằng bản sắc đến ngưỡng phổ thông chỉ để dễ dàng tiếp cận được một bộ phận công chúng, sợ rằng mình sẽ góp tay vào việc giết chết một Đà Lạt riêng biệt, Đà Lạt của “đi không vội, ăn không nhanh, nói không to, giận không hét”.

Đà Lạt nào chỉ đơn thuần là núi đồi, là thông reo suối chảy, là kỳ hoa dị thảo. Mượn của Đà Lạt những con dốc, triền hồ, sân ga,... mà không chịu mượn nốt văn hóa con người thì đó là sự ăn cắp. Vì vốn liếng văn hóa không giống như tiền tài. Một kho bạc ta mượn một đồng mà trả một đồng thì xem như kho bạc vẫn vẹn nguyên. Nhưng văn hóa thì không có sự đổi chác, không có sự đánh tráo đó. Văn hóa là giữ gìn, bảo lưu, là tiếp nhận cái mới nhưng vẫn dựa trên cái nền cũ. Một sự xáo trộn, dù nhỏ, cũng đã đánh sụp cả công phu to lớn đó. Hơn hết, văn hóa là chính chúng ta, bất kỳ thái độ tôn trọng, giữ gìn của mỗi cá nhân cũng là sự luân hồi phục vụ.

Dốc Nhà Bò Đà Lạt trong bối cảnh phim 'Tháng năm rực rỡ'

Nói đến Đà Lạt, chúng ta thường nghĩ đến chữ 'sầu'. Chữ 'sầu' ấy thậm chí còn gợi những niềm đau đáu, dằn vặt hơn cả chữ buồn. Đó là chữ 'sầu' của những người Lạch bị đánh đuổi ngay trên đất đai quê mẹ; chữ 'sầu' của người Pháp đến xứ lạ thì hoài vọng cố hương để mà ra sức dựng xây bao cung điện, nhà thờ, trang trại; chữ 'sầu' của những tri thức lạc thời, chênh vênh giữa hai cuộc chiến lớn của dân tộc. Chữ 'sầu' đi vào cái chết xa xứ của Yersin, vào tranh vẽ của Đinh Cường, vào tiếng đàn câu hát của Trịnh công Sơn, Lê Uyên Phương, vào những trang giấy nhuộm đen cuồng loạn của Phạm Công Thiện,... Để rồi nhìn quanh vạn vật, vào cây cỏ, vào khí trời, vào cả những đứa trẻ chưa chào đời, đâu đâu cũng thấy chữ 'sầu'.


Không ai bắt một thành phố phải sầu cả, nhưng nếu đó là thuộc tính của trang lịch sử thăng trầm thì con người phải biết giữ mình mà kính trọng. Chỉ cần vẫn còn ôm ấp kỷ niệm những lần thành phố sầu muộn ấy đã dang tay vỗ về, an ủi, chỉ cần vẫn còn đặt niềm hy vọng vào sự rộng lượng của bình yên tâm hồn, xin đừng ai vội phủi tay chối bỏ. 

Hôm nay, chỉ là chuyện một bộ phim được yêu chuộng, vì đã tạo được không khí vui tươi, cuồng nhiệt, rất hợp với nhịp sống của những thành thị đông đúc như Tp.HCM, Hà Nội 2018. Và vô tình không ai còn nhận ra bóng dáng của một Đà Lạt hoang hoải của những năm 70, đúng như bối cảnh câu chuyện. Chính việc 'cưỡng ép' đó đã cho thấy hậu quả trước mắt, một bộ phim thiếu bản sắc, nhạt nhòa giữa dòng chảy những sản phẩm nhang nhác nhau, mà đáng lẽ có rất nhiều chất liệu để khai thác. Thế nhưng, đó chưa là cái kết tồi tệ nhất. Ta sợ rằng có những người quay lưng với tâm hồn, quay lưng với chính lòng mình.

Phương Nguyễn - Thông Tin Đà Lạt