Quảng cáo trong nội dung văn bản

Cần "liều thuốc đắng" cho văn hóa ứng xử trong du lịch Đà Lạt

Du lịch Đà Lạt không chỉ của Đà Lạt mà là thương hiệu mang tầm quốc tế nên mỗi "làn sóng xấu" trong dư luận đều có sức lan tỏa rất nhanh. Vậy làm thế nào để Đà Lạt giữ chân được du khách...


Đừng để đất lành thành đất dữ

Tưởng vụ xô xát giữa nhân viên khách sạn Vũ Hiệp, đường Hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt với khách thuê phòng vào tối mồng 3 Tết (18-2) và sau đó là những phản ứng dữ dội của dư luận về thái độ phục vụ, cung cách ứng xử giữa người cho thuê phòng nghỉ với du khách đã trở thành bài học đắt giá cho những người hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch ở Đà Lạt. 

Nhưng không ngờ lại có thêm vụ hành hung du khách đến bất tỉnh ở chợ đêm Đà Lạt xảy ra vào tối ngày 6-3, một lần nữa cho thấy sự xuống cấp trong văn hóa ứng xử giữa chủ với khách của một bộ phận kinh doanh dịch vụ du lịch ở thành phố này. 

Một nhóm người của quán cơm Lệ Thủy, đường Nguyễn Thị Minh Khai, cửa ngõ chợ đêm Đà Lạt đã lao vào đánh hội đồng chị Do Sophia Thuy (28 tuổi), quốc tịch Mỹ dẫn đến nạn nhân bất tỉnh, nằm gục trên mặt đường Nguyễn Thị Minh Khai. 


Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân (20 tuổi), ngụ tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) thấy thành viên trong nhóm bị đánh vào can ngăn cũng bị nhóm người này gây chấn thương vùng mặt.

Trước lối vào chợ đêm Đà Lạt.

Trước cảnh đánh hội đồng trên, nhiều du khách chứng kiến chỉ biết đứng ngoài, can ngăn vụ ẩu đả bằng tiếng la hét thất thanh. Đánh gục nạn nhân, nhóm người hung hăng trên rút vào quán cơm, không quên để lại lời đe dọa: "Mày đụng tới dân chợ này là mày tới số rồi con!". Họ hả hê trong chiến thắng bằng vũ lực của đám đông trên "sân nhà". 

Một nhóm du khách nước ngoài sau đó đã tiếp cận chị Do Sophia Thuy tìm cách sơ cứu nhưng nạn nhân vẫn không có dấu hiệu hồi phục. Công an phường 1, TP Đà Lạt cũng đã có mặt gọi xe 115 đưa nạn nhân tới Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu. Đến 23h cùng ngày, khi sức khỏe đã bình phục, chị Do Sophia Thuy được xuất viện.

Sự việc xảy ra vào lúc 19h30', là thời gian cao điểm du khách tới chợ đêm Đà Lạt tham quan, mua sắm, trước sự chứng kiến của hàng chục du khách. Tuy nhiên, khi bị cơ quan Công an phường 1, TP Đà Lạt triệu tập để làm rõ vụ ẩu đả trên, người của quán cơm Lệ Thủy lập tức chối bay, phủ nhận không đánh chị Do Sophia Thuy và chị Nguyễn Thị Cẩm Vân, thậm chí nhóm người này còn tố chính chị Vân là người đánh họ. 

Tuy nhiên, những chiếc camera an ninh quanh đó đã bóc trần sự thật. Chỉ khi Công an phường 1, TP Đà Lạt đưa ra đoạn camera an ninh ghi lại cảnh này, phía quán cơm Lệ Thủy mới thừa nhận hành vi hành hung du khách. 

Người hung hãn nhất trong vụ tấn công hội đồng nhóm khách trên là Lò Thiều Mai Trang (29 tuổi), ngụ đường Tô Hiến Thành, TP Đà Lạt, người phía quán cơm Lệ Thủy, do ông Lê Văn Thành làm chủ. Làm việc với cơ quan Công an, chị Trang đã thừa nhận hành vi đánh người của mình. 

Công an phường 1, TP Đà Lạt xác định, nguyên nhân khiến chị Do Sophia Thuy bất tỉnh là do bị đánh hội đồng và bản thân nạn nhân có tiền sử bị bệnh tim. Hiện cơ quan Công an vẫn đang làm rõ những người khác có liên quan đến vụ đánh hội đồng du khách ở chợ đêm Đà Lạt.

Chị Do Sophia Thuy bị đánh hội đồng bất tỉnh tại chợ đêm Đà Lạt.

Cần "liều thuốc" đặc trị

Nguyên nhân dẫn đến vụ đánh hội đồng nhóm khách tại chợ đêm Đà Lạt vào tối ngày 6-3 khá "nhạt". Trong lúc ăn cơm tại quán Lệ Thủy, nhóm khách của chị Nguyễn Thị Cẩm Vân lên tiếng chê cơm bị nguội. Khi ăn miếng thịt gà, chị Do Sophia Thuy phát hiện vẫn còn máu đỏ (thịt chưa chín kỹ) bên trong nên phàn nàn, đề nghị đổi lại đĩa thịt gà. 

Ăn cơm đĩa nhưng lại không có canh kèm theo như thông thường, nhóm khách hỏi canh, chủ quán đem ra một tô canh lớn, nói giá 100.000 đồng, nhóm khách từ chối, không ăn. Từ đây, giữa chủ quán cơm và nhóm khách bắt đầu phát sinh mâu thuẫn, cãi vã.

 Không còn tâm trạng ăn cơm, phía chị Nguyễn Thị Cẩm Vân trả tiền đi về. Ra ngoài, chị Vân đưa điện thoại lên chụp hình quán cơm Lệ Thủy, lập tức có tiếng la lớn: "Nó chụp hình đưa lên Facebook đó, chặn nó lại!". Những gì xảy ra sau đó là nhóm người của quán cơm quây lại đánh hội đồng du khách, đòi giành lại chiếc điện thoại của chị Vân để xóa ảnh.

Việc khách bỏ tiền ra mua dịch vụ, hài lòng khách khen, không hài lòng họ chê, đó cũng là điều thường tình. Thế nhưng, có vẻ như ở nhiều nơi, trong đó có quán cơm Lệ Thủy ở chợ đêm Đà Lạt, khách bỏ tiền mua dịch vụ ăn uống không có quyền được chê, không hài lòng cũng phải ngậm miệng. 

Một câu hỏi được nhiều người đặt ra, nếu quán cơm Lệ Thủy làm ăn đàng hoàng, minh bạch thì khi khách chụp hình có khiến chủ quán phải hoảng hốt, sợ bị đăng lên mạng xã hội hay không?

Công an TP Đà Lạt gọi xe 115 đưa chị Do Sophia Thuy đi cấp cứu.

Đối với vụ xô xát xảy ra tại khách sạn Vũ Hiệp, đường Hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt vào tối mồng 3 Tết, nguyên nhân là do khách từ chối bồi thường vòi nước bị vỡ. 


Phía nhóm khách cho rằng họ không làm vỡ vòi nước và đề nghị trích xuất camera xem thời điểm họ vắng mặt có ai vào phòng họ thuê gây hư hỏng hay không thì phía khách sạn không chấp nhận. 

Khách kiên quyết không bồi thường nên đã xảy ra cảnh xô xát, bị chủ khách sạn đuổi ra ngoài vào lúc 23h khuya. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, bà Nguyễn Thị Năm, người quản lý, khai thác khách sạn Vũ Hiệp đã thừa nhận có sai sót, viết thư xin lỗi nhóm khách trên, đồng thời bị cơ quan chức năng phạt hành chính 9 triệu đồng.

Theo Trung tá Đỗ Ngọc Hòa, Trưởng Công an phường 1, nơi tập trung du khách đông nhất TP Đà Lạt, thực ra tất cả đều xuất phát từ văn hóa ứng xử giữa chủ với khách. Trong trường hợp của quán cơm Lệ Thủy, nếu chủ quán cơm nhẹ nhàng giải thích, nói chuyện với khách một cách tế nhị, lịch sự thì chắc chắn sẽ không xảy ra sự việc đáng tiếc trên. 

Trung tá Đỗ Ngọc Hòa cho biết, tuy vụ ẩu đả chưa gây hậu quả nghiêm trọng về mặt thương tích vật chất nhưng xét về mức độ tinh thần rất nghiêm trọng cần lên án, ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh trật tự và ngành du lịch Đà Lạt. Công an phường 1 đang củng cố hồ sơ, tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm vụ việc để răn đe, giáo dục chung. 

Một nguồn tin cũng cho biết, hiện nay chợ đêm Đà Lạt đã hình thành những nhóm người thâu tóm nhiều hoạt động kinh doanh buôn bán tại đây, họ liên kết với nhau để tạo áp lực đối với du khách khi tới sử dụng các dịch vụ ở chợ này. 

Qua hai sự việc gây "dậy sóng dư luận" liên tiếp gần đây nhất tại Đà Lạt cho thấy đang có sự khủng hoảng về văn hóa ứng xử trong ngành du lịch, dù trước đó, tháng 11-2017, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã tổ chức triển khai Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn. 

Giám đốc một công ty chuyên kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch tại Đà Lạt đã ví von "nghề này cũng giống như làm dâu trăm họ". Nghĩa là không phải du khách nào đến với họ cũng hài lòng về dịch vụ và cũng không phải du khách nào cũng ứng xử văn minh. 

"Có nhiều người đòi hỏi rất vô lý, thậm chí thái quá, xúc phạm chúng tôi… nhưng đã xác định làm nghề này mình phải biết chấp nhận vì họ đang bỏ tiền ra mua dịch vụ, quan trọng là đưa ra cách giải quyết hợp lý để cả hai hài lòng. Nếu họ sai ta phải giúp họ nhận ra điều đó. Quan trong nhất là cung cách ứng xử văn minh giữa hai bên!", anh Nguyễn Thành Nam, hướng dẫn viên du lịch tại Đà  Lạt chia sẻ.

Có một sự thực, trong các cuộc mâu thuẫn giữa chủ các dịch vụ với khách du lịch tại Đà Lạt, sau sự lớn tiếng cãi vã là ẩu đả. Thói hung hăng gần như đã ngự trị trong nhiều người. 

Thay vì giải quyết trong ôn hòa họ lại dùng vũ lực để áp đảo kẻ yếu thế hơn, cùng với đó là những lời đe dọa khiến du khách khiếp vía. Hai vụ tấn công du khách trên là một điển hình. 

Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân, một trong hai nạn nhân bị quán cơm Lệ Thủy đánh cho biết, sở dĩ nhóm của chị không có đề xuất, kiến nghị gì là do sợ bị trả thù, hành hung. "Chúng tôi muốn yên chuyện để còn tiếp tục chuyến du lịch ở Đà Lạt", chị Vân nói.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, những chuẩn mực về định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch đang được ngành du lịch quan tâm, đánh giá toàn diện để có hướng điều chỉnh phù hợp. 

Trong năm 2018, Lâm Đồng sẽ tiếp tục triển khai Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch dưới nhiều hình thức, gồm tổ chức cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện đầy đủ việc đăng ký giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh. 

Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách, giải quyết dứt điểm tình trạng "cò kéo, chặt chém, lừa ép" du khách. Đồng thời, tuyên truyền tới khách du lịch cần có thái độ, hành vi giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự…

Cuối tháng 12-2017, UBND TP Đà Lạt đã công bố thương hiệu "Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành". Từ những vụ gây "dậy sóng dư luận" thời gian qua cho thấy, nếu không có những hành động quyết liệt lập lại trật tự trong văn hóa ứng xử của du lịch Đà Lạt, e rằng khi nhắc tới thành phố này, người ta nghĩ nhiều tới miền "đất dữ" hơn là "đất lành".

Khắc Lịch (Báo CAND)