Quảng cáo trong nội dung văn bản

Đà Lạt: Đưa làng hoa Thái Phiên thành điểm du lịch

Đà Lạt vừa thông qua một kế hoạch chi tiết nhằm đưa Làng hoa Thái Phiên - Phường 12 thành một địa điểm thu hút khách du lịch khi đến với thành phố hoa.

Tăng lượng khách đến tham quan

Là nơi có diện tích trồng hoa lớn nhất trong 4 làng hoa truyền thống tại thành phố Đà Lạt hiện nay, Làng hoa Thái Phiên - Phường 12 hiện có trên 430 ha đất sản xuất, trong đó trên 320 ha đã lắp đặt nhà kính, hầu hết số nhà kính này canh tác quanh năm các loại hoa thương phẩm nổi tiếng của Đà Lạt như cúc, lily, cẩm chướng, cát tường… cung cấp cho hầu hết các thị trường trong nước. Đây cũng là nơi tiêu biểu của ngành hoa Đà Lạt với việc nhà vườn áp dụng rộng rãi các kỹ thuật tiên tiến của nông nghiệp công nghệ cao trong chuyên canh hoa. Những năm gần đây, làng hoa này đã thu hút không ít du khách đến tham quan, đặc biệt trong những dịp Lễ hội Hoa Đà Lạt diễn ra. 

Đưa chúng tôi đi thăm một số địa điểm đang chuẩn bị cho Lễ hội Hoa 2017 năm nay, trong đó có Đình làng Thái Phiên, Phó Chủ tịch UBND Phường 12 Võ Văn Sang cho biết, đây sẽ là địa điểm chính để đón khách và từ đây làng sẽ cử người đưa khách đến 10 địa chỉ tham quan đã được chọn sẵn.

“Trung bình những năm gần đây mỗi năm làng đón khoảng 4 nghìn lượt khách đến tham quan, tập trung nhiều nhất là vào các dịp Festival Hoa” - ông Sang cho biết.

 Để đón lượng khách du lịch đang tăng lên này, trong Đề án phát triển Làng hoa Thái Phiên đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 vừa được UBND thành phố Đà Lạt phê duyệt trong tháng 10/2017, một trong những mục tiêu quan trọng của làng hoa là hoàn thiện cơ sở hạ tầng thành khu vực tiêu biểu về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Đà Lạt - Lâm Đồng, gắn kết với phát triển dịch vụ du lịch nông nghiệp.

Cụ thể, trong 3 năm đến, đến 2020, Làng hoa Thái Phiên phấn đấu đạt giá trị thu hoạch bình quân 1 tỷ đồng/ha trồng hoa/năm; 90% diện tích canh tác hoa ứng dụng đồng bộ công nghệ cao vào sản xuất; trên 80% sản phẩm hoa sử dụng có hiệu quả thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Trong du lịch, Đà Lạt sẽ hình thành các tuyến du lịch kết nối các điểm du lịch nổi tiếng của thành phố đến làng hoa. Tại làng sẽ có khoảng 30-40% lao động được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ du lịch; hình thành 1-2 hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả trong sản xuất hoa công nghệ cao và du lịch nông nghiệp. Mục tiêu đặt ra là nâng số khách du lịch đến làng từ 4 nghìn lượt hiện nay lên 5-7 nghìn lượt người. 

Đến năm 2025, làng hoa phấn đấu có cơ sở hạ tầng phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất và phục vụ du khách tham quan nhà vườn, đưa làng hoa thành điểm tham quan hấp dẫn cho du khách với trên 50% lao động phục vụ trực tiếp du lịch tại làng hoa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ du lịch, thu hút mỗi năm từ 10-14 nghìn lượt khách đến đây.

Trên 7 tỷ đồng cho hạ tầng và nguồn nhân lực

Theo Đề án, trong 3 năm đến, đến 2020, làng sẽ cần khoảng trên 7 tỷ đồng đầu tư, trong đó trên 4,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, phần còn lại trên 2,6 tỷ đồng vận động người dân trong cộng đồng cùng đóng góp theo phương thức xã hội hóa hoặc nguồn vốn đối ứng.

Tại khu vực Đình làng Thái Phiên, trong năm 2018 đến, thành phố sẽ cấp kinh phí để tu bổ lại ngôi đình, xây hàng rào và bãi đậu xe với tổng vốn đầu tư khoảng 1,7 tỷ đồng,  trong đó một nửa số tiền từ nguồn vận động dân. Trong khu đất rộng rãi của ngôi đình này dự kiến sẽ có các quầy bán hàng lưu niệm cũng như một nhà truyền thống. 

Để đưa khách từ trung tâm Đà Lạt đến đây thuận tiện, thành phố sẽ cho duy tu, sửa chữa lại con đường nhựa chính trong làng (khoảng 800 triệu đồng) để xe 50 chỗ chở khách có thể lưu thông; nâng cấp 2 cống thoát nước ngang đường vào trung tâm làng hoa, vận động dân cùng nhà nước đầu tư hệ thống chiếu sáng công cộng trên các trục giao thông, đồng thời cho trồng thêm cây xanh và thu gom rác theo các tuyến đường. 


Với hệ thống đường nội đồng, phường trong thời gian đến sẽ vận động người dân cùng chung tay với nhà nước để làm một con đường dài khoảng 2 km, mở rộng ra 3 m, trị giá 1,8 tỷ đồng cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn cũng như để xe chở du khách có thể đến tận các vườn. 

Nhằm thúc đẩy người dân trong làng đẩy mạnh việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất hoa thương phẩm, làng tiếp tục vận động người dân đầu tư, nâng cấp nhà kính trồng hoa; đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản phẩm; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hoa ứng dụng đồng bộ công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường. 

Cụ thể, thành phố sẽ hỗ trợ xây dựng trên địa bàn 5 mô hình thu hoạch, đóng gói hoa, 10 mô hình chuyển đổi giống hoa có chất lượng cao, xây dựng 3 mô hình kho lạnh bảo quản hoa… Tổng số tiền ứng dụng công nghệ vào sản xuất hoa tại làng khoảng trên 1 tỷ đồng trong 3 năm đến, trong đó người dân đóng góp 420 triệu đồng.

Để phát triển du lịch, làng trong 3 năm đến sẽ hoàn thiện các mô hình du lịch nông nghiệp từ các gia đình đang tham gia chương trình hiện nay, đa dạng hóa dịch vụ du lịch tại làng; tăng cường quảng bá hình ảnh về làng thông qua các hội thi, lễ hội truyền thống; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, đào tạo nghề, đào tạo kiến thức về về du lịch  cho người dân, phát triển làng hoa gắn với bảo vệ môi trường (đầu tư xây dựng bể chứa bao bì đựng hóa chất bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trị giá 500 triệu đồng trong năm 2018).

Có thể bạn muốn đọc:

Rất nhiều việc cần làm cho mục tiêu đưa Thái Phiên thành một điểm hút khách du lịch khi đến Đà Lạt. Nhưng điểm quan trọng nhất, theo ông Sang, chính là phải làm sao để người dân trong làng cùng được hưởng lợi từ phát triển du lịch này: “Lâu nay, rất nhiều người trong làng đã hướng dẫn du khách, chủ yếu là tình nguyện, chưa được hưởng lợi gì nhiều, cả trong những lúc bận rộn mùa vụ. Nếu được hưởng lợi thì mọi người trong làng rõ ràng sẽ cùng chung tay cho mục tiêu chung này” - ông Sang khẳng định.

VIẾT TRỌNG (Báo Lâm Đồng)