Quảng cáo trong nội dung văn bản

Tu viện bỏ hoang đẹp tựa Châu Âu ở Đà Lạt mê đắm lữ khách ghé thăm

Tôi đến đó vào một buổi sáng trời mùa thu trong xanh. Con dốc lên đồi thông quanh co, vắng lặng. Sau rèm thông và cây cỏ um tùm, hiện lên một không gian kiến trúc mang sắc thái Trung cổ - một monastère (tu viện).

Nhà thờ dòng Franciscaines Misionnaires de Marie - Đà Lạt. Ảnh: Biu Nguyễn
Từ trên ngọn đồi nhìn xuống cảnh vật u tịch, ngôi nhà nguyện của tu viện như kéo tôi về dăm bảy thế kỷ trước, lạc giữa một thế giới cổ kính bí ẩn mà tôi đã gặp đâu đó trong quyển tiểu thuyết Tu viện thành Parme của Stendhal hay Tên của đóa hồng của Umberto Eco. Vẫn đó, những đường khối khỏe khoắn, những bức tường điểm xuyết bằng đá chẻ và vòm cổng thâm nghiêm. Vẫn đó mái ngói sủi rêu qua thời gian và dãy hành lang âm u, lối đi mọc đầy cỏ dại. Vẫn đó, những cánh cửa gỗ đã bong tróc nước sơn và mọc lên những tai nấm độc... Tất cả ẩm ướt và chìm sâu trong một màn tối của cánh đồi nhọc nhằn gánh trên mình một phế tích khó minh định lai lịch.


Tiếng chim ngân trên tháp chuông phế tích - Nhà nguyện dòng Franciscaines. Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên
Kiến trúc cổ xưa của ngôi nhà dòng này vốn đã nhuốm màu huyền bí thì cái thực tại bị lãng quên của nó lại càng vẽ nên trong hồn người đối diện bức tranh thời gian bể dâu u hoài. Nếu Umberto Eco đã phải sao lục cả một pho sách trong thư viện để tạo tác nên câu chuyện nhuốm màu trinh thám về những bí mật phía sau trận hỏa hoạn thiêu rụi tu viện dòng Benedict trên ngọn núi tuyết Apennine, nước Ý những ngày cuối tháng 11-1327, nếu Adso (chủng sinh dòng Benedict xứ Melk, Đức), và William (tu sĩ và là học giả dòng Francisco) đã từng đi xuyên qua những bức tường dày để khám phá thế giới đầy hiểm họa của một tu viện ám chướng trong Tên của đóa hồng, thì lúc này đây, tôi, thật không may khi đứng trước khung cảnh hoang liêu của một monastère trên ngọn đồi thành phố cao nguyên Đà Lạt này, đã bất lực vì không tìm ra một manh mối tiểu sử nào, cho dù là tiểu sử trôi nổi về phương diện kiến trúc thuần túy để có thể tái hiện bất cứ đời sống nào bên trong thời gian.

Nhà nguyện dòng Franciscaines một sáng tháng 3/2017. Ảnh: Hoàng Việt Đà Lạt
Không có án mạng nào ở đây, không có cơn hỏa hoạn nào ở đây, không có những cuộc biển thủ tri thức ở đây, không có những bản văn Khải huyền viết bằng tiếng Hy Lạp tẩm độc dược để đầu độc những kẻ hiếu tri hay những thư viện hiện thân của vũng lầy tội lỗi như trong văn của Eco… Chỉ có thể lần tìm được mối liên hệ rất nhỏ giữa câu chuyện bên trong cuốn tiểu thuyết trinh thám kia với lai lịch hiếm hoi tìm được về tu viện này, đó là cái tên hội dòng Francisco.

Tượng Đức Mẹ bên hông Tu Viện. Ảnh: Biu Nguyễn
Trong Tên của đóa hồng, tôi gặp nhân vật William, một thầy dòng Francisco thông thái, một nhà ký hiệu học uyên bác đầy ý thức khai phóng, người đã cùng cậu chủng sinh Adso tìm ra sự thật của tu viện Benedict trong bảy ngày, thì ở đây, tôi lại gặp dáng dấp thông tuệ đó của William qua cái tinh thần khắc kỷ và tôn chỉ thừa sai của hội dòng có tên Franciscaines (tức, nhánh nữ của dòng Francisco) đã được Việt hóa thành Nữ Phan Sinh thừa sai Đức Mẹ. Nói đầy đủ là Franciscaines Missionnaires de Marie.

Bên trong khuôn viên Tu Viện nhìn ra ngoài. Ảnh: Biu Nguyễn
 Lạ lùng thay, với một trường dòng, tu viện mang tính đặc thù về mặt kiến trúc như thế ở xứ cao nguyên, mà không hiểu sao việc tìm kiếm tư liệu về sự hình thành của nó hết sức khó khăn. Thi thoảng trên không gian mạng, có vài hé lộ xa xa gần gần của những tu sĩ, cựu học sinh nhưng chưa đủ kết nối thành bức tranh toàn cảnh.

Những lớp  kính cửa sổ bị bể dần theo thời gian. Ảnh: Biu Nguyễn
Phải chăng cái tinh thần Francisco nghèo khó và triết lý thừa sai quá đỗi thầm lặng nơi những “nhà du ca của Thiên Chúa” đã chi phối lối hành xử của những nữ tu sĩ mà màu áo xám khổ hạnh vốn đã trùng với màu đất đai, màu sương bạc của lãng quên. Họ đến và đi khỏi nơi đây không để lại một dấu vết gì ngoài cảnh hoang tàn của ngôi nhà nguyện và khu trường dòng ẩn mật và hiu quạnh.

Tượng đài Đức Mẹ. Ảnh: Ngoc Tran
Tôi đã nhọc công kiếm tìm, như cậu chủng sinh Adso trong cuốn tiểu thuyết của Umberto Eco ngơ ngác bước vào cuộc viễn du thời gian trong một tu viện thâm u.

Con đường mòn dẫn vào Tu Viện. Ảnh: Biu Nguyễn
Franciscaines Missionnaires de Marie quyến rũ không bởi những bóng ma, án mạng hay những điều gì quá khốc liệt, mà bởi sự lãng quên không âm vọng của nó. Những nữ tu sĩ Phan Sinh thừa sai nay về đâu? Họ còn ký ức nào về đời sống của một tu viện thời vang bóng? Họ còn lưu giữ mảy may nào những mảnh dữ liệu từ kiến trúc đến lề lối sinh hoạt trường dòng vào nửa thế kỷ trước?

Cây cối mọc um tùm tạo nên không gia hoang vu của Tu Viện. Ảnh: Biu Nguyễn
Nửa thế kỷ mà tưởng như đã chìm sâu vào cõi hun hút của đêm trường thời gian. Cỏ rêu lên um tùm. Lối đi u tối. Một phần mảng ngói trước tháp chuông nguyện đường đã bị bàn tay thô thiển nào đó ốp lên một miếng tôn màu trắng bạc. 

Thánh giá trên mái nhà Tu Viện. Ảnh: Biu Nguyễn
Không gian bên trong bỏ hoang và được tận dụng làm nơi ở, thiếu chăm sóc, phơi bày vẻ nhếch nhác, ẩm thấp. Duy chỉ có tháp chuông là một vòm khoét mềm mại như đôi mắt tu viện vẫn nhìn ra ngọn đồi, khi u hoài theo sương núi, lúc trong veo kể với lữ khách câu chuyện bể dâu, không đầu không cuối.

Những tầng lầu bỏ trống của Tu Viện. Ảnh: Biu Nguyễn
Khi tôi đến, đã không còn tiếng chuông ngân nga trên đồi sương và những buổi kinh nguyện trên môi những nữ tu đồng trinh, mà chỉ có một bóng chim ngơ ngác đậu vào song thép lạnh trên vòm tháp chuông, đưa mắt nhìn khách lạ rồi hót vu vơ một tiếng. Thanh âm ấy nhói lên giữa thinh không rồi lịm tắt.

Những ron sắt bị hoen rỉ theo thời gian. Ảnh: Biu Nguyễn
Như một khúc nhạc không phân biệt được là mô tả nỗi sầu muộn hay hân hoan.

Gian nhà phụ của Tu Viện. Ảnh: Biu Nguyễn

Bên hông Tu Viện. Ảnh: Biu Nguyễn

Lối vào Tu Viện. Ảnh: Biu Nguyễn

Mặt sau Tu Viện. Ảnh: Biu Nguyễn

Tượng Đức Mẹ vẫn trường tồn với cảnh vật hoang vu. Ảnh: Biu Nguyễn

Toàn cảnh Tu Viện bị bỏ hoang. Ảnh: Biu Nguyễn

Tu Viện bị bỏ hoang trong thời gian dài khiến cây cỏ leo lên đến nóc nhà. Ảnh: Biu Nguyễn
Thông Tin Đà Lạt
(*) Bài được trích đăng từ tạp chí văn "Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách" do NXB Trẻ ấn hành, 12-2014.